Người bị bắn chết là một giám đốc bệnh viện quân sự tại Damascus. Trong khi đó, bạo lực vẫn đang leo thang tại Syria.
Đây là vụ ám sát quan chức quân đội cấp cao đầu tiên tại thủ đô của Syria kể từ khi các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu nổ ra hồi tháng 3/2011.
Vụ tấn công có thể là một dấu hiệu cho thấy, các thành viên vũ trang của phe đối lập, vốn chỉ thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân đội nhà nước ở các khu vực khác trong cả nước như Homs và Idlib, nay lại đang từng bước đẩy mạnh các hoạt động tại thủ đô Damascus, nơi luôn được kiểm soát rất chặt chẽ và tương đối yên bình so với các thành phố khác tại Syria.
Cùng ngày, bạo động xảy ra tại nhiều khu vực ở Syria đa khiến ít nhất 17 người thiệt mạng khu quân đội chính phủ tiến vào các khu vực do quân nổi dậy chiếm giữ tại trung tâm thành phố Homs và thị trấn miền núi Zabadani, phía Bắc thủ đô Damascus.
Bạo lực đặc biệt gia tăng tại Syria trong những ngày cuối tuần này khiến cho dư luận lo ngại về nguy cơ thất bại trong các giải pháp ngoại giao của cộng đồng quốc tế. Sau khi Nga và Trung Quốc hồi cuối tuần trước đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết do phương Tây và Arab đề xuất tại Liên Hợp Quốc nhằm gây áp lực khiến Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức, lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA), một tổ chức đối lập tại nước này đã có tuyên bố cho rằng vũ lực là cách duy nhất để ông Bashar al-Assad phải ra đi.
Phương Tây và các nước Arab đang xem xét thành lập một liên minh nhằm hỗ trợ phe đối lập Syria. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy những nước này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho Quân đội Syria tự do.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad đã có tuyên bố cảnh báo rằng, những người đặt cược vào sự sụp đổ của Syria cũng là đặt cược cho sự thất bại, và khẳng định, chính phủ sẽ vượt qua những khó khăn hiện nay thông qua chương trình cải cách và đối thoại với các phe đối lập.
Ông Mekdad bác bỏ những nghi ngờ cho rằng, lực lượng quân đội chính phủ đã bắn phá các khu dân cư ở Homs cũng như ở các thành phố khác và cáo buộc các nước Arab đang khuyến khích các nhóm vũ trang tiến hành các cuộc tấn công khủng bố. Iran, một đồng minh quan trọng của Syria ngày 11/2 cũng cảnh báo các nước Arab không viện trợ cho phe đối lập Syria.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahiyan nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Syria và Tổng thống Bashar al-Assad trong quá trình cải cách, cũng như cho dù nước này sẽ phải đối mặt với bất kỳ sự can thiệp nào từ lực lượng nước ngoài. Chiến đấu chống khủng bố và tái thiết an ninh tại Syria được coi như nhiệm vụ trọng tâm hiện nay”.
Ngày 12/2, các Ngoại trưởng Arab dự kiến sẽ có cuộc họp tại thủ đô Cairo để quyết định các bước đi tiếp theo trong vấn đề Syria. Một quan chức thuộc Liên đoàn Arab cho biết, các Bộ trưởng có thể xem xét kêu gọi một nhóm quan sát viên với sự hợp tác của Arab và Liên Hợp Quốc đến Syria để điều tra xem liệu Tổng thống Bashar al-Assad có tuân thủ những cam kết ngừng bạo lực hay không.
Tuy nhiên, Syria có vẻ như sẽ không chấp nhận bất kỳ một nhóm quan sát nào nữa tại nước này. Ngoài ra, cũng theo nguồn tin này, các Ngoại trưởng trong cuộc họp tại Cairo có thể sẽ thảo luận về việc chính thức công nhận lực lượng đối lập chính tại Syria-Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Syria như một động thái cho thấy sự ủng hộ của các nước Arab đối với phe đối lập tại Syria. Tuy nhiên, việc này chắc chắn sẽ không nhận được sự nhất trí từ tất cả các Ngoại trưởng./.