Trung Quốc cân nhắc trong việc giải cứu châu Âu

09:35, 03/02/2012

Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ lên tới 3.200 tỷ USD, được xem là nguồn tiềm năng cho các quỹ giải cứu. 

Ngày 2/2, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố, nước này đang cân nhắc tăng cường tham gia vào các quỹ giải cứu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

 

Tuyên bố được ông Ôn Gia Bảo đưa ra trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Bắc Kinh. Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ cam kết tài chính rõ ràng nào cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu hoặc Cơ chế Bình ổn châu Âu sắp tới.

 

Phát biểu tại  cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Ôn Gia Bảo nói: “Trung Quốc đang nghiên cứu và đánh giá những cách tiếp cận cụ thể mà Trung Quốc đang đầu tư qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm tới sự tham gia lớn hơn của nước này trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu thông qua Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu, Cơ chế Bình ổn châu Âu sắp tới và các kênh khác”.

 

Cơ chế Bình ổn châu Âu, một quỹ cứu trợ thường trực trị giá 650 tỷ USD, có hiệu lực từ tháng 7 tới, sẽ thay thế Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu đã được sử dụng để cứu trợ Ireland, Bồ Đào Nha và giúp Hy Lạp trong gói cứu trợ thứ hai.

 

Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ lên tới 3.200 tỷ USD, được xem là nguồn tiềm năng cho các quỹ giải cứu cần thiết để cứu trợ Chính phủ một số nước châu Âu. Trung Quốc ủng hộ một đồng euro ổn định và ước tính, khoảng 1/4 lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bằng đồng euro.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc một lần nữa đã nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận rằng, châu Âu phải dựa vào chính mình để giải quyết cuộc khủng hoảng:  “Chúng tôi đã thảo luận về các cơ chế giải cứu đồng euro. Vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và về gói tài chính mới đã được thông qua. Tôi cũng nói rằng, Trung Quốc cần sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm vì một đồng euro ổn định và vì sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng làm sáng tỏ rằng, nhiệm vụ chính là của các nước châu Âu. Châu Âu phải làm công việc của mình và phải giải quyết những bất ổn của chính mình”./.