Năm 2012, kỷ lục 147 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu lần đầu tiên tham gia, đã cam kết tắt điện vào lúc 20h30’ ngày 30/3.
Ngày 30/3, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi toàn thế giới thực hiện “Giờ Trái Đất” để thể hiện tình đoàn kết với 20% nhân loại hiện chưa được sử dụng điện. Năm 2012, số lượng lớn các nước tham gia đã cam kết tắt điện vào thời khắc lịch sử này nhằm gửi đi thông điệp thống nhất toàn cầu rằng đã đến lúc cộng đồng thế giới cần hành động vì hành tinh.
Tổng Thư ký LHQ khẳng định: Giờ Trái Đất là biểu tượng của cam kết toàn cầu vì năng lượng bền vững cho tất cả mọi người và hướng tới tương lai năng lượng sạch, hiệu quả và khả thi. Bằng hành động tập thể tắt điện từ 20h30 – 21h30 ngày 30/3/2012, nhân loại đã tiếp sinh lực cho một ngày mai tươi sáng hơn. LHQ sẽ thực hiện Giờ Trái Đất bằng việc tắt điện 1 giờ tại trụ sở chính của LHQ ở New York, Mỹ và tất cả các trụ sở của các cơ quan LHQ trên toàn cầu.
Phó Tổng Thư ký LHQ Sha Zukang, Tổng Thư ký Hội nghị cấp cao LHQ về phát triển bền vững (Rio+20) nhấn mạnh: Giờ Trái Đất là sự kiện quan trọng và phổ quát nhắc nhở mọi người trên thế giới sự cần thiết phải tư duy lại cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, tăng cường phúc lợi và bảo vệ môi trường cũng như sự cần thiết phải hành động để thúc đẩy phát triển bền vững.
Giờ Trái Đất được Quỹ toàn thế giới vì tự nhiên (WWF), một tổ chức bảo tồn môi trường toàn cầu, phát động năm 2007 ở Australia nhằm kêu gọi người dân, các tổ chức và các thành phố tắt điện trong 1 giờ bắt đầu từ 20h30 – 21h30.
Năm 2011, hơn 5.250 thành phố, thị trấn ở 135 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với 1,8 tỷ người đã tắt điện để thực hiện Giờ Trái Đất nhằm ủng hộ hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Năm 2012 là năm thứ 3 LHQ cùng với hàng trăm triệu người trên thế giới tham gia hành động tập thể toàn cầu này.
Giờ Trái Đất năm 2012 sẽ lần lượt diễn ra suốt 24 giờ trên toàn cầu với nước đầu tiên thực hiện tắt điện là Samoa và nước cuối cùng tắt điện sẽ là Đảo Cook./.