Vladimir Putin muốn tạo ra những thay đổi căn bản trong cục diện địa chính trị tại khu vực châu Á, nhằm củng cố vị thế của Nga, và ngăn ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây.
Thủ tướng sắp trở lại làm Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt dành cho châu Á. Trong nhiệm kỳ tới, Putin chắc chắn sẽ duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, củng cố vị thế của Moscow tại Trung Á, thu xếp những gì còn lại ở chiến trường Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, ngăn ngừa một cuộc chiến hoặc khủng hoảng xảy ra tại bán đảo Triều Tiên, và hòa nhập hơn nữa vào mạng lưới Đông Á đầy sôi động về kinh tế. Cùng lúc đó, ông Putin vẫn rất muốn củng cố vai trò của Nga tại châu Âu.
Đó là một danh sách dài các việc cần làm, nhưng Nga đã thành công trong việc nâng vị thế của mình tại châu Á trong những năm gần đây. Quan hệ của họ với Trung Quốc và Ấn Độ rất khăng khít, trong khi quan hệ với Iran và CHDCND Triều Tiên vẫn ổn định bất chấp mọi biến động xoay quanh hai quốc gia này. Năm ngoái, Nga đã tham gia hội nghị Thượng đỉnh Đông Á – hội nghị được cho là quan trọng nhất bàn về thể chế an ninh đa quốc gia ở khu vực này. Đại diện của Nga cũng thường tham dự vào các cuộc họp và đối thoại của Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng của ASEAN, Đối thoại hợp tác châu Á, và các hội nghị quan trọng khu vực mà trước kia họ từng vắng bóng. Nhưng các sáng kiến của Nga vẫn chỉ được coi là các giải pháp về sau. Thậm chí khu vực phía đông của nước Nga cũng ít có sự hội nhập về mặt kinh tế với khu vực năng động của Đông Á, trong khi tính năng động của ngoại giao Nga lại bị ghìm lại trong xung đột với Nhật, Nga và Mỹ đều thất bại trong việc cùng nhau tái thiết tại châu Á, và Nga cũng khó điều chỉnh được tương quan với một Trung Quốc đang trỗi dậy hoặc phát triển một phương tiện để kiểm soát các hệ quả.
Sự thật là Putin đã lựa chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào cuối tháng Chín vừa qua, khi ông tuyên bố rằng ông sẽ ra tranh cử lần nữa. Nhưng nếu hiểu rằng đây là dấu hiệu cho thấy Nga sẽ tiến gần Bắc Kinh hơn trong những năm tới sẽ là một sai lầm. Chuyến thăm vào tháng Mười vừa qua của ông Putin đã được lên kế hoạch từ trước tuyên bố của ông, và thực tế là ông không hề theo đuổi các chính sách đặc biệt hướng tới Bắc Kinh trong các nhiệm kỳ Tổng thống trước đó (2000-2008).
Trong các bài báo hoạch định chính sách hành động của Putin trong cuộc đua vào điện Kremlin, ông cũng nói rõ về quan điểm với Trung Quốc. Ông bày tỏ hoan nghênh với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông viết: “Trước hết, tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không phải là một sự đe dọa, nhưng là một thách thức đồng thời mang đến tiềm năng to lớn cho hợp tác kinh tế - một cơ hội để bắt kịp xu hướng tại Trung Quốc và chèo lái nền kinh tế của chúng ta”, chẳng hạn như sử dụng các nguồn đầu tư của Trung Quốc để hồi sinh lại miền Viễn Đông của nước Nga.
Thực tế suốt hai thập kỷ qua, hai quốc gia đã theo đuổi chính sách gần giống nhau trong một loạt vấn đề, bao gồm an ninh khu vực và trật tự thế giới. Họ chia sẻ sự không hài lòng với một số hành động của phương Tây chẳng hạn như can thiệp quân sự - nhân đạo của NATO vào Libya, Serbia và những nơi khác. Nhưng Putin đã làm sáng tỏ một điều rằng ông trân trọng các giá trị độc lập quốc gia, chủ quyền và tự do hành động của nước Nga trên tất thảy – đó cũng là cách mà Bắc Kinh làm. Mặc dù quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được cải thiện đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh nhưng Moscow và Bắc Kinh vẫn chưa hình thành một liên minh phòng thủ chung. Họ vẫn có xu hướng theo đuổi sự khác biệt của mỗi bên.
Ông Putin thúc đẩy thành lập một Liên minh Âu - Á và nếu được công nhận, Moscow sẽ lại giành được vị thế lãnh đạo trong một khối đa quốc gia gắn kết chặt chẽ từ những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Với một khu vực đồng rúp hiện nay, Moscow có thể giành được vị thế rất lớn cho dù tiềm năng kinh tế của họ thua kém Trung Quốc. Kế hoạch này cũng nhằm thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO do Trung Quốc đang làm chủ trì đã tìm cách để mở rộng ảnh hưởng kinh tế, an ninh và các hoạt động khác lên các khu vực tương tự giống như Liên minh Âu-Á. Nga đã phản đối các đề xuất của Bắc Kinh nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do và các hội nhập kinh tế khác trong khuôn khổ của SCO, mà điều này trên thực tế có thể củng cố tầm ảnh hưởng về kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực Âu-Á.
Một lý do khác khiến cho Putin thúc đẩy ý tưởng Liên minh Âu-Á là vì Moscow muốn kiềm chế sự hiện diện của Mỹ tại Trung Á sau khi NATO rời Afghanistan. Putin cũng phàn nàn về thất bại của NATO trong việc ngăn chặn buôn lậu thuốc phiện tại Afghanistan sang Nga và Trung Á, và ông muốn Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể cũng như SCO có vai trò đứng đàu trong việc giải quyết vấn đề trên, cùng với các thách thức an ninh khu vực tại Trung Á. Trong khi đó, Putin cũng sẽ tiếp tục gây dựng quan hệ thân thiện với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và các lãnh đạo khác, hứa hẹn với họ rằng Nga sẽ trợ giúp về quân sự và kinh tế, tận dụng căng thẳng giữa họ với NATO. Trên tất thảy, Nga sợ rằng NATO sẽ đơn giản là cứ thể rút đi khỏi cuộc xung đột, và đổ trách nhiệm về một cuộc nội chiến khác tại Afghanistan cho Moscow vào lúc mà các chính quyền Trung Á có vẻ dễ bị chủ nghĩa khủng bố cực đoan và các cuộc nổi dậy kiểu Mùa xuân Ả Rập tấn công nhất.
Một ngạc nhiên nữa mà Putin dành cho châu Á sẽ là quan hệ với Pakistan. Quan hệ giữa Moscow và Islamabad đã căng thẳng suốt vài thập kỷ qua do Pakistan ủng hộ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, hỗ trợ cho Mỹ và Trung Quốc chống lại Nga, và các chính sách đối đầu với Ấn Độ - đồng minh của Nga. Nhưng Putin giờ đã đồng ý có chuyến thăm chính thức tới Islamabad vào tháng Chín tới đây. Củng cố quan hệ với Pakistan có thể mang lại cho Moscow một tầm ảnh hưởng lớn hơn tại Afghanistan thời hậu NATO, bao gồm cả việc có đối thoại với Taliban cũng như tăng cường đòn bẩy của Nga với Ấn Độ.
Ấn Độ có thể sẽ tiếp bước Trung Quốc và phát triển mối quan hệ thương mại và đầu tư cân bằng hơn với các quốc gia khác cũng như phương Tây. Có ảnh hưởng tại Islamabad sẽ giúp Moscow có vị thế tốt hơn trong việc trung gian giữa New Delhi và Islamabad, và nhờ đó vạch giới tuyến rõ ràng cho Ấn Độ để duy trì quan hệ tốt hơn với Nga.
Một trong những điều thú vị nữa là chính sách đối ngoại của ông Putin cũng dành khá nhiều nội dung về Triều Tiên. Putin viết rằng: “Chúng ta vẫn kiên trì bảo vệ quan điểm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên – chủ yếu thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao – và việc sớm tái thiết các vòng đàm phán sáu bên”. Hẳn nhiên là Nga muốn hạ nhiệt căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên vì lợi ích kinh tế và an ninh của Nga.
Còn về Iran? Việc Putin trở lại làm Tổng thống Nga dường như cũng không khiến cho chính sách của Nga đối với Tehran thay đổi. Nga bắt đầu bỏ phiếu cho lệnh trừng phạt nhằm vào Iran từ năm 2006 khi ông Putin vẫn còn làm Tổng thống. Cũng như mọi người dân Nga, Putin không mấy tin tưởng vào Tehran và không muốn Iran có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Moscow vẫn có thể tiếp cận gần hơn tới Iran nếu như quan hệ giữa Nga và phương Tây gặp trục trặc. Và Nga chẳng có lý gì lại ủng hộ các lệnh trừng phạt thêm của Liên Hợp Quốc đối với Iran khi mà các trừng phạt hiện giờ đã xua đuổi hầu hết doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Iran. Điều này lại là cơ hội để Nga và Trung Quốc ngự trị các mối quan hệ kinh tế với Iran. Putin và các lãnh đạo khác có vẻ hài lòng với tình trạng hiện nay, với việc Iran bị các đối tác kinh tế phương Tây xa lánh và căng thẳng liên quan tới Tehran đã đẩy giá dầu lên cao ngất.
Tất nhiên cùng lúc đó, Putin và các quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga đã tạo ra một nỗ lực rất lớn để xác nhận lại vị thế của Nga như là một nhân tố then chốt tại châu Á trong các lãnh vực khác nhau – ngoài dầu lửa và vũ khí.