Khủng hoảng nợ châu Âu đã qua giai đoạn khăn nhất

13:21, 24/03/2012

Mặc dù vẫn còn những rủi ro phía trước song, gia đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng Euro (Eurozone) đã kết thúc và tình hình đang ổn định trở lại.

Đó là đánh giá lạc quan của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 22/3 khi trả lời phỏng vấn với tờ nhật báo The Bild của Đức.

 

Ông Draghi cho rằng lòng tin giới đầu tư đang dần phục hồi và ECB cũng đã dừng chương trình thị trường chứng khoán, cho phép ECB mua trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp trong nhiều tuần liên tục. Cùng với tín hiệu tích cực này, một số dữ liệu kinh tế khác như lạm phát, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai của châu Âu cũng khả quan hơn so với Mỹ, nền kinh tế số một thế giới

 

Tuy nhiên, ông Mario Draghi cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều rủi ro phía trước và các chính phủ châu Âu về lâu dài cần phải tạo "bức tường" ngăn khủng hoảng.

 

Ông Mario Draghi nhận định việc ECB cho các ngân hàng trong khu vực vay không điều kiện hơn 1.000 tỷ Euro thông qua 2 chương trình tái cấp vốn kéo dài ít nhất 3 năm là yếu tố tích cực đã giúp châu Âu ngăn chặn được cuộc khủng hoảng tín dụng lớn.

 

Mặc dù vậy, thông tin nền kinh tế Ireland, một thành viên trong Eurozone một lần nữa rơi vào suy thoái đã gây không ít lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu khi sự phục hồi của khu vực vẫn hết sức mong manh.

 

Tại nền kinh tế đầu tàu châu Âu, nước Đức, Viện Nghiên cứu kinh tế Đức RWI đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này từ 0,6% lên 1,0% trong năm nay và 2,0% vào năm 2013. Tỷ lệ lạm phát của kinh tế Đức sẽ giảm từ 2,3% năm 2011 xuống 2,2% trong năm nay và còn 1,9% năm 2013.

 

Trong khi đó, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi ổn định hơn.

 

Ngày 22/3, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần trước, số lượng công nhân nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ ở mức 348.000 người, giảm 5.000 người so với tuần trước đó. Như vậy, trong 4 tuần liên tiếp gần đây, số lượng công nhân nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, giữ cho tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước ở mức thấp nhất (8,3%) trong ba năm trở lại đây.

 

Từ tháng 12/2011 đến tháng 2/2012, mỗi tháng nước Mỹ tạo ra trung bình 245.000 việc làm mới.

 

Cùng ngày 22/3, Tổ chức Conference Board chuyên theo dõi "sức khỏe" nền kinh tế Mỹ công bố các kết quả điều tra cho biết trong tháng 2 vừa qua, chỉ số hoạt động kinh tế của Mỹ tăng 0,7% so với mức tăng 0,2% của tháng trước. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số hoạt động kinh tế của Mỹ tăng. Số đơn xin phép xây dựng nhà và khu căn hộ mới trong tháng cũng tăng tới 5% và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2008.