Tuyên bố của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh Iran và nhóm P5+1 đang chuẩn bị cho vòng mới của cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này.
Tổng thống Mỹ Obama ngày 14/3 cảnh báo Iran rằng, các cánh cửa ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này đang dần “đóng lại”.
Tuyên bố của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh Iran và nhóm P5+1 đang chuẩn bị cho vòng mới của cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này, cùng với đó là mối lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng Israel sẽ triển khai các cuộc tấn công nhằm vào nước Cộng hòa hồi giáo.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Cameron, ông Obama cho biết, Mỹ có thể sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Việc này là đòn giáng nặng nề đối với nền kinh tế của Iran.
Trong khi đó, Nhật báo Kommersant của Nga đưa tin, Mỹ đã yêu cầu Nga thông báo với Iran rằng, các cuộc đàm phán sắp tới với nhóm P5+1 xung quanh chương trình hạt nhân của Iran sẽ là “cơ hội cuối cùng” cho nước này.
Tuyên bố này được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Lavrov. Bà Clinton yêu cầu Ngoại trưởng Lavrov chuyển thông điệp này tới các quan chức Iran, bởi Washington không có mối quan hệ ngoại giao với Tehran. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Nga chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.
Cùng ngày, trong bức thư tới quan chức cấp cao phụ trách An ninh và Đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeed Jalili nói, Iran đã chính thức yêu cầu thiết lập thời gian và địa điểm cho các cuộc đàm phán với nhóm P5+1 xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Trước đó, bà Catherine Ashton cũng đã tuyên bố nhóm P5+1 sẵn sàng nối lại đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân. Ông Jalili hoan nghênh tuyên bố này của bà Ashton, nhưng nhấn mạnh, các cuộc đàm phán cần phải thể hiện tính xây dựng, không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, và với mục tiêu hợp tác lâu dài.
Ông Jalili cũng hoan nghênh quan điểm của bà Ashton về việc tôn trọng quyền của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran để sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, phù hợp với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi khi phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng quốc tế lần thứ 13 tổ chức tại Kuwait ngày 14/3, đã cáo buộc phương Tây sử dụng dầu mỏ như một công cụ chính trị để chống lại các nhà sản xuất khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Ông Qasemi nhấn mạnh, việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Iran đã đơn phương làm tổn hại đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến vấn đề thương mại tự do và tính liên tục của nguồn cung dầu trên thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng và biến đổi khí hậu Anh, Charles Hendry cho rằng, phương Tây không sử dụng dầu mỏ như một “vũ khí” để chống lại Iran, mà nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt đối với Iran là một sự đáp trả thích hợp đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Diễn đàn năng lượng quốc tế dự báo, xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ giảm 800.000 thùng mỗi ngày kể từ giữa năm 2012, khi lệnh trừng phạt của EU đánh vào xuất khẩu dầu của Iran chính thức có hiệu lực./.