Thấy gì từ những tuyên bố gây sốc của Tổng thống Pháp?

14:44, 13/03/2012

Những tuyên bố “mạnh bạo” đã khiến ông Sarkozy phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích.

“Nước Pháp có thể đình chỉ việc tham gia Hiệp ước Schengen”, lời đe dọa của Tổng thống Pháp trong bài phát biểu trước hơn 50.000 người ủng hộ đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân của ông hôm Chủ nhật vừa qua tại Villepinte, ngoại ô thủ đô Paris đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận Pháp và châu Âu.

 

Ngoài ra, một số tuyên bố mạnh bạo khác của nhà lãnh đạo Pháp cũng làm khuấy động không khí tranh cử và khiến người ta cảm thấy sức nóng thực sự của cuộc đua sẽ chính thức khai màn trong hơn 7 tuần nữa.

 

Con số chính thức những người có mặt tại Villepinte đến nay vẫn chưa được công bố, có thông tin là hơn 50.000, 60.000, thậm chí là 80.000 người tham dự. Đó thực sự như một cuộc phô trương lực lượng của đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) cầm quyền và của ứng cử viên chính thức của đảng này là đương kim Tổng thống Sarkozy.

 

Bài phát biểu của ông Sarkozy trước đông đảo cử tri ủng hộ mình kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, với hào khí mạnh mẽ, đúng như khẩu hiệu tranh cử của ông là “Nước Pháp mạnh”. Trong đó, vị Tổng thống đương nhiệm của Pháp nói về những kinh nghiệm ông có được về trách nhiệm của một nhà lãnh đạo đất nước; khẳng định ông chưa bao giờ mất niềm tin vào tương lai và sức mạnh của nước Pháp, đồng thời kêu gọi người dân Pháp cùng giúp đỡ ông để xây dựng nước Pháp hùng mạnh.

 

“Hãy giúp đỡ tôi! Hãy giúp đỡ tôi! Chúng ta có 2 tháng để cùng nhau xây dựng một cuộc phiêu lưu tuyệt vời nhất, hai tháng để xóa bỏ những nỗi lo lắng, hai tháng để đảo ngược tất cả, hai tháng để đưa sự thật đi đến vinh quang”, Tổng thống Sarkozy kêu gọi.

 

Cùng với những lời “có cánh”, đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã mạnh bạo đưa ra một số tuyên bố chính sách gây nhiều tranh cãi, nhất là lời đe dọa mà báo chí Pháp gọi là “đe dọa kiểu Anh” rằng nước Pháp có thể đình chỉ việc tham gia Hiệp ước Schengen nếu trong 12 tháng tới, các cuộc thảo luận không đi đến mục đích tạo ra cái mà ông gọi là “chính quyền” lãnh đạo cho khu vực Schengen, thống nhất luật đối với người nước ngoài và người xin tị nạn.

 

“Cần có một chính phủ chính trị trong khu vực đi lại tự do Schengen tương tư như một chính phủ về kinh tế trong khu vực đồng euro. Tức là phải có những kỷ luật và quy tắc chung, cần có sự trừng phạt, đình chỉ và thậm chí loại thải đối với những nước không tôn trọng Hiệp ước, tương tự như sự trừng phạt đối với những nước không thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình trong khu vực đồng euro. Nếu trong 12 tháng nữa, không có tiến triển nghiêm túc nào theo hướng đó, nước Pháp sẽ đình chỉ việc tham gia Hiệp ước Schengen cho tới khi đạt được một kết quả cụ thể”, Tổng thống Sarkozy tuyên bố.

 

Ngoài ra, ông Sarkozy cũng hứa hẹn thực hiện một số sáng kiến liên quan đến toàn châu Âu như thông qua điều khoản luật “Mua hàng châu Âu” để tạo thuận lợi cho việc sản xuất hàng hóa tại châu Âu. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh sản xuất tại châu Âu sẽ được hưởng lợi từ các khoản ngân sách công. Và một lần nữa, ông Sarkozy lại đưa ra thời hạn 12 tháng để nếu châu Âu không đạt tiến triển trong vấn đề này, thì nước Pháp sẽ đơn phương triển khai luật riêng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Tiếp đó, ông Sarkozy cũng nhấn mạnh ưu tiên bảo vệ ngành công nghiệp hạt nhân, công nghiệp gang thép của nước Pháp; chấn chỉnh lại an ninh tại các vùng ngoại ô - mà ông cho là rơi vào bất ổn do sự lãnh đạo yếu kém của lực lượng ủng hộ cánh tả.

 

Chính sách cứng rắn đối với chính quyền Syria cũng được đương kim Tổng thống Pháp đưa vào bài phát biểu, như một phần trong nỗ lực chung của ông để làm nổi bật “sức mạnh” của nước Pháp trong các vấn đề quốc tế.

 

Tuy nhiên, ngay lập tức, ông Sarkozy đã phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích từ nhiều phía, cho rằng các tuyên bố của ông chỉ mạnh bạo về hình thức để lôi cuốn cử tri chứ không có tính khả thi. Thực tế 5 năm cầm quyền không có nhiều kết quả tích cực của ông Sarkozy trái ngược với những kế hoạch tham vọng mà ông nêu ra cho thời hạn ngắn ngủi là 12 tháng tới, khiến không ít cử tri Pháp, kể cả nhiều người ủng hộ cánh hữu, nghi ngờ./.