Giàn khoan dầu Nga bị đột kích

09:30, 26/08/2012

6 nhà hoạt động môi trường của tổ chức Greenpeace trèo lên một giàn khoan dầu ngoài khơi của Nga để phản đối hoạt động khai thác tài nguyên ở Bắc Cực.

Ông Kumi Naidoo, giám đốc điều hành của Greenpeace và 5 người khác đã tới Prirazlomnaya, giàn khoan dầu thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Gazprom, bằng xuồng cao tốc từ một tàu của Greenpeace gần giàn khoan. Khi tới giàn khoan dầu vào sáng sớm hôm 24/8, họ đã dùng thang và dây thừng để leo lên giàn. Nhóm công nhân trên giàn khoan không phản ứng khi 6 người leo lên và trưng tấm biểu ngữ có dòng chữ "Không phá hoại Bắc Cực".

 

Greenpeace tuyên bố Gazprom không có phương án phòng ngừa sự cố rò rỉ dầu mỏ trong quá trình khai thác nên giàn khoan Prirazlomnaya phải ngừng hoạt động. Tổ chức này cũng khẳng định 6 nhà hoạt động môi trường có đủ nhu yếu phẩm để ở trên giàn khoan dầu trong nhiều ngày, BBC đưa tin.

 

"Cách duy nhất để ngăn chặn thảm họa tràn dầu tại Bắc Cực là cấm vĩnh viễn mọi hoạt động khai thác dầu. Chúng tôi sẽ ở lại giàn khoan một cách hòa bình để thu hút sự chú ý của người dân tại Nga và trên toàn thế giới về những hoạt động đang diễn ra ở đây", Naidoo tuyên bố trên giàn khoan.

 

Murmansk, một thành phố ở phía tây bắc nước Nga, là cảng gần giàn khoan dầu Prirazlomnaya nhất. Khoảng cách giữa cảng và giàn khoan vào khoảng 1.000 km.

 

Grazprom sắp trở thành công ty đầu tiên trên thế giới khai thác dầu khí trên biển ở Bắc Cực nhằm phục vụ mục đích thương mại. Hoạt động khai thác của Gazprom sẽ bắt đầu từ năm sau.

 

Nhiều công ty dầu mỏ và khí đốt coi Bắc Cực là khu vực đầy tiềm năng cho hoạt động khai thác nhiên liệu trong tương lai. Năm ngoái Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính Bắc Cực có thể chứa tới 30% lượng khí đốt tự nhiên và 13% lượng dầu mỏ chưa được khai thác trên địa cầu. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Bắc Cực sẽ ngăn cản nỗ lực ứng cứu trong trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra.