Ngày16/8), Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã ban hành một sắc lệnh cải tổ nội các, bổ nhiệm ba bộ trưởng mới đứng đầu các Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và Bộ Công nghiệp.
Theo sắc lệnh này, ông Saad Assalam al-Nayef sẽ phụ trách Bộ Y tế thay thế ông Wael al-Halqi, người được chỉ định làm Thủ tướng cách đây một tuần sau khi người tiền nhiệm của ông là Riad Hijab đào tẩu sang phe đối lập và hiện đang tỵ nạn ở Jordan.
Bộ Công nghiệp sẽ do ông Adnan Abdu as-Sahni đứng đầu và Bộ Tư pháp do ông Najem Hamad al-Ahmad đảm nhiệm.
Ngoài ra, Tổng thống Assad cũng bổ nhiệm ông Mohammad Akkad làm Tỉnh trưởng tỉnh miền Bắc Aleppo, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã trở thành chiến trường chính trong cuộc xung đột hiện nay giữa quân đội chính phủ và phe đối lập ở Syria.
Trong diễn biến mới nhất, truyền hình nhà nước Syria đưa tin, các đơn vị quân đội đang tiến hành một chiến dịch lớn tại tỉnh Aleppo và đã tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố. Phe đối lập cho biết quân chính phủ đã huy động pháo hạng nặng trong chiến dịch này.
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình tại Syria, ngày 16/7, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã họp để thảo luận việc có thành lập một Văn phòng mới hỗ trợ những nỗ lực của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 18 tháng qua tại Syria hay không.
15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bắt đầu phiến họp kín lúc 14 giờ ngày 16/7 theo giờ GMT (21 giờ theo giờ Việt Nam) trong bối cảnh phái bộ quan sát viên Liên Hợp Quốc sẽ kết thúc nhiệm vụ vào ngày 19/8 tới. Cuộc họp này do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đề xuất.
Đại diện thường trực của Pháp tại Liên hợp quốc Gerard Araud đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 8 cho biết, các nước thành viên sẽ thảo luận về phái bộ giám sát của Liên Hợp Quốc, và việc có tiếp tục triển khai các nhân viên tại Syria nữa hay không.
Trước đó, trong thư gửi Hội đồng bảo an, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã bảy tỏ lo ngại tình hình Syria đang có nguy cơ rơi vào “một cuộc nội chiến toàn diện”. Ông ủng hộ việc tiếp tục triển khai các nhân viên Liên Hợp Quốc tại Syria. Điều này là rất cần thiết để tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo và tạo điều kiện cho một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng Syria./.