Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra: Trụ vững trước sóng gió

09:21, 16/08/2012

Tháng 8 này đánh dấu tròn một năm Thủ tướng Yingluck Shinawatra thuộc đảng Vì nước Thái (Puea Thai) lên nắm quyền. Trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên ở tuổi 44 trong bối cảnh đất nước Chùa Vàng bị chia rẽ và bất ổn sâu sắc, một loạt thách thức mà Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã vượt qua sau một năm quả không đơn giản.

Dù nội tại nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong khi chính trường chưa thực sự ổn định như mong muốn, thành quả mà nữ Thủ tướng Yingluck có được trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 4 năm là điều đang được cử tri Thái Lan ghi nhận.

 

Lên nắm quyền vào thời điểm cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái ở đất nước Chùa Vàng bước vào thời điểm quyết liệt nhất, vì thế niềm tự hào ở vị nữ Thủ tướng đầu tiên được dư luận nhắc tới nhiều là đã ngăn chặn hiệu quả làn sóng bất ổn đã "tàn phá" hình ảnh đất nước của những nụ cười suốt 6 năm qua.

 

Được nhìn nhận là không nhiều kinh nghiệm chính trường như những người tiền nhiệm, nhưng với bản lĩnh bình tĩnh và mềm dẻo trước nhiều tình huống chính trị phức tạp, nữ Thủ tướng Yingluck đã chứng tỏ cho khu vực và thế giới thấy khả năng vận hành chính phủ mà không cần đến sự can thiệp từ người anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - như các đảng đối lập từng lo ngại. Việc triển khai một loạt chính sách về kinh tế, an sinh xã hội như từng cam kết lúc tranh cử gồm: chính sách tăng tiền công tối thiểu 300 baht một ngày, chính sách thu mua thóc gạo và nông sản của nông dân; đẩy mạnh chiến dịch bài trừ ma túy; nỗ lực trong việc phòng chống lũ lụt và đền bù thiệt hại cho người dân gặp nạn... đang từng bước phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của tầng lớp nông dân nghèo cũng như giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội Thái Lan.

 

Dù vấp phải sự chỉ trích mạnh từ các đảng đối lập khi chậm trễ ứng phó với trận lũ lụt lịch sử kéo dài suốt 3 tháng cuối năm ngoái khiến hàng trăm người thiệt mạng, gây thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan hơn 3,3 tỷ USD, nhưng nữ Thủ tướng Yingluck đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế, Thủ tướng Yingluck đã thổi một luồng sinh khí mới cho nền kinh tế lớn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á sau thảm họa thiên tai. Với nhiều khởi sắc sau trận lụt kinh hoàng từng nhấn chìm nhiều khu vực của thủ đô Bangkok, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của Thái Lan đạt mức 5-6% trong năm nay, tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp, khoảng 3,5% và tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp, chỉ khoảng 1%. Việc duy trì sự ổn định của đồng baht đang góp phần trợ giúp các nhà xuất khẩu và bảo đảm vấn đề lạm phát cũng như giá cả hàng hóa sẽ không quá cao.

 

Như thế, không có nghĩa những thách thức mà Thủ tướng Yingluck phải đối mặt trong một năm qua là dễ vượt. Việc tìm lời giải cho bài toán đẩy nhanh tiến trình sửa đổi Hiến pháp trong bối cảnh còn quá nhiều bất đồng giữa các đảng phái; bạo lực không ngừng gia tăng ở 3 tỉnh miền Nam… đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo đảng Puea Thai cầm quyền cũng như Thủ tướng Yingluck. Bộ Thương mại Thái Lan mới đây cho biết, dù đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), nhưng từ đầu năm đến hết tháng 6 vừa qua nước này vẫn nhập siêu hơn 10 tỷ USD. Song, thách thức trước mắt của Thủ tướng Yingluck là cuộc chất vấn bất tín nhiệm sắp tới, khi các thành viên nội các phải trả lời tất cả câu hỏi do các nghị sĩ đưa ra.

 

Nữ Thủ tướng Yingluck vừa đi qua được 1/4 chặng đường trong hành trình chinh phục lòng tin của cử tri Thái Lan. Các kết quả thăm dò mới đây cho thấy, Thủ tướng Yingluck đạt điểm "trung bình" sau một năm nhậm chức. Tuy nhiên, đa số người dân Thái Lan được hỏi vẫn muốn nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước tại vị với hy vọng bà sẽ có nhiều bước đột phá trong chặng đường còn lại. Và như vậy, 3 năm tới sẽ là khoảng thời gian đầy thử thách với Thủ tướng Yingluck. Để trụ vững trước không ít sóng gió được dự báo, bà không còn lựa chọn nào khác ngoài giành "điểm tốt" với hai trọng tâm là phát triển kinh tế và hòa giải dân tộc.