Ngoại trưởng Clinton: “Những điều sẽ diễn ra tại châu Á trong những năm tới sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của Mỹ”.
Sau đảo Cook, Indonesia là điểm dừng chân thứ 2 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công du 6 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhằm giải quyết căng thẳng đang leo thang trong khu vực.
Giới phân tích nhận định, với chuyến thăm tới Indonesia của bà Hillary Clinton, chính quyền Washington muốn khuyến khích nước này tiếp tục đóng vai trò tích cực để giải quyết tranh chấp ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.
Trong một tuyên bố trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ thảo luận với các quan chức Indonesia về quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Indonesia và các cam kết về các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Dự kiến bà Clinton sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.
Theo các nhà phân tích, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton muốn nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Indonesia trong ASEAN, đặc biệt là trong việc giải quyết căng thẳng về vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Mỹ xem Indonesia là một nhân tố quan trọng trong các vấn đề này, bởi Indonesia vốn luôn rất nỗ lực trong các vấn đề ASEAN.
Chuyến thăm của bà Clinton tới Indonesia được cho là một phần trong chiến lược ngoại giao của Mỹ, đặc biệt là sau những nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tại khu vực châu Á, bởi Mỹ sẽ được hưởng lợi ích nếu khu vực này ổn định.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã tuyên bố rằng, những điều sẽ diễn ra tại châu Á trong những năm tới sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của Mỹ. Do đó, Washington không thể đứng bên lề và để cho những nước khác quyết định tương lai của nước Mỹ.
Hãng tin AFP cũng cho rằng, chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ lần này không nằm ngoài mục đích giành ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời chứng tỏ Washington vẫn là chiếc neo ổn định tình hình trong khu vực.
Trước đó, trong chuyến thăm tới đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho biết, Mỹ cam kết đảm bảo an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tích cực đóng góp hơn nữa cho sự ổn định trong khu vực.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc hành động một cách công bằng và minh bạch. Chúng tôi muốn thấy họ đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh hàng hải. Chúng tôi muốn thấy họ đóng góp vào sự phát triển bền vững cho Thái Bình Dương”.
Rõ ràng, chuyến công du lần này của bà Clinton và cũng là chuyến thăm châu Á lần thứ 3 của bà kể từ tháng 5 vừa qua, đã cho thấy tầm quan trọng trong chính sách “hướng về châu Á” của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Điều đáng nói hơn là Mỹ đang nhìn thấy giá trị và tầm quan trọng địa chiến lược của những quốc gia xa xôi và nhỏ bé như đảo Cook, Brunei hay Timor-Leste cũng như những lợi ích mà Mỹ có được khi thiết lập các mối quan hệ đồng minh mới với những quốc gia này trong cuộc đua nhằm tăng cường sự ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được coi là phát triển mạnh và ổn định trong thế kỷ 21./.