Ngày 27/12, tại thủ đô Damascus của Syria, Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL), ông Lakhdar Brahimi tuyên bố Syria phải thành lập một chính phủ lâm thời với đầy đủ quyền lực cho đến khi tổ chức các cuộc bầu cử trên cả nước.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Damascus trong chuyến thăm Syria để hội đàm với Tổng thống Bashar al-Assad và các phe phái ở nước này, ông Brahimi kêu gọi "sự thay đổi thật sự" và một chính phủ chuyển tiếp tại Syria phải có đầy đủ quyền lực bất chấp các đảng phái có thể không đạt được thỏa hiệp về mức độ quyền lực của một chính phủ như vậy.
Ông cũng nhấn mạnh giai đoạn chuyển tiếp không được phép dẫn đến sụp đổ nhà nước hoặc các định chế, nhưng vẫn để ngỏ khả năng các cuộc bầu cử cuối cùng có thể dẫn đến một cơ cấu lãnh đạo mới, theo đó Syria sẽ chuyển thành chế độ nghị viện.
Ông Brahimi cho biết giải pháp là đưa quan điểm của các phe phái ở Syria xích lại gần nhau hơn. Ông cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Liên hợp quốc cần triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đông đảo tại Syria để giám sát một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt bạo lực tại Syria.
Đây là lần thứ ba ông Brahimi có mặt tại Syria kể từ khi trở thành Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và AL về Syria hồi tháng Tám vừa qua.
Trước cuộc họp báo trên, ông Brahimi cho biết tiến trình hòa bình Syria có thể dựa trên cơ sở tuyên bố Geneva đã được thông qua tại hội nghị của "Nhóm Hành động vì Syria" ở Thụy Sĩ cuối tháng 6/2012, trong đó bao gồm các biện pháp cơ bản cho tiến trình chấm dứt bạo lực tại Syria.
Một biện pháp quan trọng trong bản thông cáo Geneva đề nghị các phe phái Syria thành lập một cơ quan quản lý lâm thời có đầy đủ quyền lực và bao gồm tất cả các thành viên của Chính phủ Syria hiện nay, phe đối lập và các nhóm chống chính phủ khác và đây là một phần các nguyên tắc và hướng dẫn đã được nhất trí cho tiến trình chuyển giao chính trị do người Syria lãnh đạo.
Tham gia Nhóm hành động vì Syria có Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký AL, các ngoại trưởng của năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách Các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Kuwait và Qatar.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo về tình trạng hỗn loạn đẫm máu tại Syria nếu cuộc đàm phán hòa bình do Đặc phái viên Brahimi khởi xướng không thể chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 21 tháng qua ở nước này.
Hãng tin Interfax dẫn phát biểu trên của Ngoại trưởng Lavrov sau cuộc gặp phái đoàn Syria do Thứ trưởng Ngoại giao Faisal Muqdad dẫn đầu, đồng thời bác bỏ thông tin về một sáng kiến chung với Mỹ, theo đó cho phép Tổng thống Syria Bashar al-Assad nắm quyền đến năm 2014 nhưng ngăn cản nhà lãnh đạo này kéo dài nhiệm kỳ. Ông Lavrov nêu rõ Mỹ và các nước khác phải nỗ lực gấp đôi trong bối cảnh hy vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria ngày càng tàn lụi.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Saleh đã kiên quyết phản đối việc áp đặt giải pháp của phương Tây cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria. Ông Saleh nêu rõ sáng kiến sáu điểm do Iran đưa ra là biện pháp đúng đắn duy nhất để giải quyết vấn đề Syria, trong đó có việc các bên cùng chấm dứt bạo lực, và Liên hợp quốc ra lệnh chấm dứt việc cung cấp vũ khí từ bên ngoài cho các bên tham chiến, đồng thời mở chiến dịch viện trợ nhân đạo dân thường Syria.
Ông Brahimi sẽ đến Mátxcơva ngày 29/12 để hội đàm với các nhà chức trách Nga, sau đó sẽ tổ chức thêm các cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao Mỹ và Nga - hai nước có ảnh hưởng và trách nhiệm toàn cầu trong việc tìm kiếm các giải pháp chấm dứt xung đột ở Syria.
Mỹ và phương Tây lo ngại khả năng Chính quyền Syria sẽ sử dụng vũ khí hóa học và sinh học để chấm dứt bạo loạn, đồng thời cảnh báo đây là hành động "không thể chấp nhận" và "vượt qua giới hạn đỏ," có thể kích động một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và Israel.
Phát biểu trên đài phát thanh quân đội Israel, Phó Thủ tướng nước này Moshe Ya'alon khẳng định Mỹ đang chuẩn bị một cuộc can thiệp quân sự nếu các kho vũ khí hóa học của Chính quyền Syria rơi vào tay các cá nhân và tổ chức mà Mỹ không chấp nhận.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Noel Clarke cho biết Washington luôn khẳng định lập kế hoạch tác chiến là trách nhiệm phải làm, đồng thời Mỹ vẫn tập trung hỗ trợ phe đối lập và hợp tác với các nước có cùng quan điểm để hỗ trợ một quá trình chuyển giao chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột.