Nếu thế giới trong năm 2012 là đại dương mênh mông đầy biến động thì khu vực Đông Bắc Á có lẽ là nơi có những con sóng cả! Cùng với những cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo lần lượt diễn ra tại một số nước và sự phục hồi đáng kinh ngạc của kinh tế Trung Quốc trong những tháng cuối năm, khu vực Đông Bắc Á năm qua còn được nhắc tới bởi những động thái liên quan đến tranh chấp lãnh thổ. Tất cả những điều đó đã khiến Đông Bắc á đã và sẽ tiếp tục là “khu vực nóng” của thế giới-nơi tiềm ẩn những diễn biến khó lường.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang chật vật phục hồi kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát cách đây 4 năm, châu âu vẫn loay hoay tìm lối thoát khỏi vấn đề nợ công, kinh tế Trung Quốc năm 2012 xứng đáng được coi là một “điểm sáng” hiếm hoi. Đã có những thời điểm các chuyên gia dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng” trong năm 2012 bởi thị trường bất động sản ảm đạm, xuất khẩu và đầu tư nội địa giảm sút, nhưng trong những tháng cận kề năm mới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bất ngờ trỗi dậy. Dù không thể giữ vững “phong độ”, nhưng đặt trong bối cảnh toàn cầu thì kinh tế Trung Quốc đã làm nên “chuyện lạ” với mức tăng trưởng vào khoảng 7,7%. Hơn thế nữa, cơ chế quản lý mới của bộ máy lãnh đạo mới đang hứa hẹn sẽ giúp kinh tế Trung Quốc tiến đến sự tăng trưởng bền vững hơn trong những năm tới.
Năm 2012 cũng là một năm khá “tưng bừng” của các cuộc chuyển giao chính trị tại khu vực Đông Bắc Á. Hiếm khi nào mà các nước lớn trong khu vực lại đồng loạt có sự thay đổi thế hệ lãnh đạo giống như năm qua. Thủ đô Bắc Kinh đã trải qua những ngày rộn rã cờ hoa với cuộc chuyển giao thành công thế hệ lãnh đạo sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Bằng cú lội ngược dòng của đảng Dân chủ tự do (LDP) trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản, ông Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) trở lại với chiếc ghế Thủ tướng xứ sở Mặt trời mọc. Cuối cùng là chiến thắng của bà Pắc Cưn Hi (Park Geun-hye) của đảng Thế giới Mới cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào cuối năm hứa hẹn sẽ mang lại những bước tiến trong quan hệ liên Triều.
Thế nhưng, hy vọng từ những thay đổi về mặt chính trị đó không thể khiến người ta quên đi một “Đông Bắc Á 2012” dậy sóng vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trong đó căng thẳng nhất là tranh chấp quần đảo Ta-kê-si-ma/Đốc Đô giữa Nhật Bản và Hàn Quốc và quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Nếu như sự lạnh nhạt ngoại giao giữa Xơ-un và Tô-ki-ô bắt đầu lan rộng kể từ chuyến thăm quần đảo tranh chấp Ta-kê-si-ma/Đốc Đô của Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc vào đầu tháng 8 thì “cuộc đổ bộ” của các nhà hoạt động Trung Quốc lên quần đảo tranh chấp Xên-ca-cư/Điếu Ngư và việc Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo này đã khiến cho căng thẳng Trung -Nhật như gần chạm tới “ranh giới đỏ”. Bằng chứng cho những căng thẳng đó là những tràng “khẩu chiến” qua lại giữa các nước liên quan nhằm bảo vệ lợi ích của riêng mình. Nhiều kế hoạch thăm viếng, giao lưu chính thức cuối cùng vẫn chỉ nằm trên mặt giấy.
Rất may, khu vực Đông Bắc Á đã kết thúc năm 2012 mà không có bất cứ một “giải pháp quân sự” nào được đưa ra, dù vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang bị nóng thêm bởi tác động của những khái niệm như “niềm tự hào dân tộc” hay “không thỏa hiệp”. Từ Bắc Kinh tới Tô-ki-ô và Xơ-un, tất cả đều tỏ ra thận trọng với nhận thức chung rằng, những tranh chấp nói trên không thể giải quyết một sớm một chiều, càng không thể được “đặt mạnh lên bàn cân” trong một năm đầy rẫy những cuộc đại hội, tranh cử, bỏ phiếu… Hơn nữa, những vấn đề vốn đã tồn tại dai dẳng đó rõ ràng là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm số lượng các văn bản hợp tác kinh tế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xu hướng hợp tác phát triển giữa các quốc gia trong khu vực.
Bước vào một khởi đầu mới, nhưng khu vực Đông Bắc Á vẫn đứng trước những thử thách của năm cũ. Gánh nặng trên vai các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên hay Nhật Bản lúc này là xoa dịu căng thẳng trong mối bang giao với các nước có chung tranh chấp, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Vấn đề là họ sẽ làm thế nào tạo sự cân bằng giữa các mục tiêu đó và lợi ích quốc gia dân tộc? Ngoài ra, tuyên bố “chuyển hướng trục chiến lược” sang châu Á mà Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đưa ra cũng là một mối quan tâm khác mà các nước trong khu vực không thể xem nhẹ.