Mỹ tiếp tục “quan tâm” Trung Ðông

15:15, 03/01/2013

Dù Mỹ đang thực thi chiến lược xoay trục an ninh sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song Trung Ðông vẫn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách của Mỹ. Quân đội Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực giàu dầu mỏ này.

Sau một thập kỷ tiến hành các cuộc chiến tranh kéo dài và tốn kém ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính chưa có hồi kết. Hầu bao hạn hẹp buộc nền kinh tế số một thế giới này phải giảm số quân đóng tại nước ngoài. Trong bối cảnh chiến lược quân sự của chính quyền Ô-ba-ma chuyển trọng tâm sang châu Á, các nước vùng Vịnh ở Trung Ðông cũng như các đồng minh của Mỹ trong NATO cảm thấy bị gạt sang bên lề. Ðồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh lo ngại chính sách này sẽ ảnh hưởng "sự quan tâm" của Mỹ ở Trung Ðông.

 

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự ngờ vực đó là do Mỹ rút quân khỏi I-rắc đã tạo khoảng trống an ninh ở cửa ngõ khu vực, sự im lặng trước các cuộc biểu tình ở Ba-ren và việc Mỹ từ chối đưa ra "giới hạn đỏ" đối với vấn đề hạt nhân của I-ran. Tuy nhiên, thực tế, Mỹ chưa khi nào xao nhãng khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng này. Các nước vùng Vịnh vẫn duy trì các mối quan hệ vững chắc, hợp tác chặt chẽ về an ninh với Mỹ. Sau khi rút quân khỏi I-rắc, Lầu năm góc lại tăng cường lực lượng cho lữ đoàn của Mỹ đóng tại Cô-oét. Mỹ hợp tác với các nước vùng Vịnh xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm đối phó các "mối đe dọa" từ I-ran. Trong bối cảnh vùng Vịnh luôn căng thẳng bởi mối quan hệ đối đầu giữa I-ran và phương Tây, năm 2012, Mỹ đã tăng gấp hai lần số tàu tuần tra ở eo biển Hoóc-mút. Mỹ hiện duy trì gần 50 nghìn binh sĩ và một số đơn vị tàu chiến ở Trung Ðông.

 

Các cuộc xung đột ở Trung Ðông được cho là bài toán khó đối với Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma khi ông bắt đầu nhiệm kỳ hai. Những diễn biến đầy bất ổn và phức tạp ở khu vực này hiện nay khác xa so nhiệm kỳ đầu của ông. Nếu như trong nhiệm kỳ đầu phải giải quyết phần còn lại của cuộc chiến ở I-rắc, nhiệm kỳ hai, ông phải đối mặt hàng loạt vấn đề gai góc như cuộc khủng hoảng Xy-ri, vấn đề hạt nhân I-ran, đàm phán hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin, chống khủng bố...

 

Vấn đề hạt nhân của I-ran là một trong những thách thức lớn nhất của Tổng thống Ô-ba-ma. Mỹ tiếp tục phải duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran, đồng thời để mặc cả trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Những hệ lụy từ sự can thiệp trực tiếp ở I-rắc khiến Mỹ đổi chiến lược sang can thiệp gián tiếp ở Xy-ri. Mỹ đã ủng hộ và tiếp vận lực lượng đối lập Xy-ri nhằm lật đổ chế độ ở nước này. Vấn đề I-xra-en và Pa-le-xtin cũng gây khó khăn cho Tổng thống Ô-ba-ma khi ông vừa phải tránh những bất đồng với I-xra-en nhằm "tri ân" các cử tri Do thái ở Mỹ đã bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử Tổng thống, vừa phải thúc đẩy cuộc đàm phán hòa bình I-xra-en và Pa-le-xtin như ông từng cam kết trong nhiệm kỳ đầu, nhưng đã không làm được. Khó khăn kinh tế buộc Mỹ phải cắt giảm ngân sách quân sự, song không thể buông lỏng tầm mắt khỏi khu vực Trung Ðông chiến lược. Trước chuyến thăm Cô-oét mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Pa-nét-ta khẳng định, quân đội Mỹ sẽ phải điều chỉnh "rất linh hoạt" trong thời kỳ ngân sách bị cắt giảm eo hẹp. Hải quân Mỹ sẽ chỉ luân phiên duy trì một tàu sân bay ở Trung Ðông với thời hạn hai tháng để tàu còn lại USS Nimitz có đủ thời gian bảo dưỡng.

 

Ngoài sự hiện diện quân sự, Oa-sinh-tơn còn tăng cường thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực. Bộ Thương mại Mỹ mới đây nhấn mạnh, Trung Ðông là khu vực hấp dẫn và đầy tiềm năng đối với các công ty Mỹ trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này đang tìm kiếm những cơ hội kinh doanh và đầu tư ở nước ngoài sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Oa-sinh-tơn đang xem xét dỡ bỏ một số rào cản thương mại song phương. Mỹ hiện đã ký các thỏa thuận tự do thương mại với Ô-man và Ba-ren cùng một số thỏa thuận khung về đầu tư và thương mại riêng rẽ với bốn quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Sau cái gọi là "Mùa xuân A-rập", nhiều quốc gia Trung Ðông gặp khó khăn và đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nên khu vực này sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp Mỹ.