Như một bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa những cam kết với cử tri trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 12 năm ngoái, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vừa đề nghị tăng ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2013 bắt đầu từ ngày 1-4 sắp tới.
Cụ thể LDP đề nghị tăng thêm khoảng 100 tỷ yen (tương đương 1,1 tỷ USD) so với mức 4.710 tỷ yen mà đảng Dân chủ (DPJ) từng đề nghị trước đó. Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua ngân sách quốc phòng của Nhật Bản được tăng lên nhằm củng cố quyền lực cứng của quốc đảo này.
Việc LDP cầm quyền tăng cường sức mạnh cho quân đội ngay sau khi nội các của Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức chưa đầy nửa tháng là không quá khó hiểu trong bối cảnh xứ Phù Tang đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh từ bên ngoài. Cách đây 6 năm (ngày 9-1-2007) khi là Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ thứ nhất, chính ông Shinzo Abe đã bổ nhiệm người đứng đầu Cục Phòng vệ Nhật Bản là ông Fumio Kyuma lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Việc nâng cấp từ Cục Phòng vệ lên thành Bộ Quốc phòng là sự thay đổi lớn nhất trong hệ thống an ninh quốc gia của Nhật Bản kể từ khi Cục Phòng vệ và Lực lượng phòng vệ (SDF) được thành lập năm 1954. Đó cũng là lần đầu tiên kể từ khi Nhật Bản bị tước quyền thành lập quân đội sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ II, Bộ Quốc phòng nước này được đưa vào hoạt động một cách đầy đủ. Sự ra đời của Bộ Quốc phòng được nội các Thủ tướng Shinzo Abe khi đó kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vị thế của quân đội cũng như SDF (SDF là một bộ phận của Bộ Quốc phòng) trong Chính phủ Nhật Bản, nhất là với việc tác động thông qua ngân sách và các quyết sách chiến lược. Điều quan trọng hơn, việc thành lập Bộ Quốc phòng còn là cơ sở để quân đội Nhật Bản có thể đóng vai trò lớn hơn trong trường hợp đối mặt với những thách thức và đe dọa an ninh từ bên ngoài.
Trong bối cảnh an ninh khu vực không ngừng diễn biến phức tạp, nhất là việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên biển và trên không xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku ở biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền gọi là đảo Điếu Ngư, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ dùng ngân sách mới để tăng thêm nhân viên cho Lực lượng phòng vệ mặt đất và nâng cấp thiết bị cho các đơn vị của hải, lục, không quân. Không úp mở khi tuyên bố sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng để đối phó với ảnh hưởng quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết, Chính phủ mới của Nhật Bản sẽ xem xét lại chương trình phòng vệ cơ bản dài hạn đã được chính quyền tiền nhiệm thông qua năm 2010 cùng với chương trình xây dựng sức mạnh quốc phòng trung hạn. Để tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự, các nghị sĩ trong Quốc hội Nhật Bản đã ủng hộ tân Thủ tướng Shinzo Abe xem xét sửa đổi Hiến pháp để nâng cấp SDF lên mức quân đội đầy đủ nhằm đối phó với tình hình mới trong an ninh quốc tế.
Tăng cường sức mạnh quân sự cũng như bảo đảm an ninh cho người dân đất nước Mặt trời mọc không chỉ là cam kết mạnh mẽ của nhà lãnh đạo có đường lối cứng rắn S.Abe trước cử tri mà còn là quyết tâm của nhiều thủ tướng tiền nhiệm. Trên tinh thần đó, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng thành lập một ủy ban tư vấn để dọn đường cho nước này thực hiện quyền tự vệ tập thể - một trong những cam kết chính sách quan trọng nhất của LDP trong chiến dịch tranh cử vào Hạ viện tháng 12 năm ngoái.
Tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ cũng như tham vọng cho phép Tokyo thực hiện quyền tự vệ tập thể với Washington được xem là bước đi quan trọng với Chính phủ của Thủ tướng S.Abe trong bối cảnh những căng thẳng về chủ quyền lãnh hải cũng như thách thức an ninh ở khu vực Đông Bắc Á không ngừng gia tăng. Việc thay đổi chiến lược quốc phòng mang tính độc lập và chủ động hơn không chỉ giúp Nhật Bản tiếp tục khẳng định vị thế trên trường quốc tế mà còn chứng tỏ quân đội nước này không quá lệ thuộc vào Mỹ - đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Tuy nhiên, những thay đổi này có đem lại kết quả như mong đợi, phù hợp với tình hình khu vực và trong nước hay không vẫn còn là một ẩn số.