Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Mỹ: Khi ranh giới bị xóa nhòa...

15:17, 08/06/2013

Những ràng buộc và đan xen về lợi ích khiến mối quan hệ Mỹ - Trung khó có thể nhận biết rõ ràng đâu là vấn đề song phương, đâu là vấn đề khu vực và đâu là toàn cầu.

Theo kế hoạch, chương trình nghị sự 2 ngày giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở California sẽ có rất nhiều nội dung nóng, ẩn chứa căng thẳng và tranh cãi giữa hai bên nhưng cũng mang lại cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán này, để tách bạch được hoàn toàn đâu là vấn đề song phương, đâu là vấn đề khu vực và đâu là vấn đề quốc tế chỉ là khái niệm mang tính chất tương đối khi mà mối quan hệ Mỹ - Trung đã vượt ra khỏi phạm trù hai nước và mang ý nghĩa thế giới rộng lớn.

 

Về quan hệ song phương, không thể không kể đến câu chuyện về an ninh mạng (với những cáo buộc trực tiếp nhằm vào nhau), vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ và việc Tập đoàn Shuanghui của Trung Quốc vừa mới “thôn tính” hãng chế biến thịt lớn nhất của Mỹ là Smithfield với giá 4,7 tỷ USD.

 

Thoáng nhìn qua, những vấn đề này tưởng chừng chỉ là câu chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nếu xét kỹ lại, chúng đều có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Suy cho cùng, các cuộc tấn công mạng - dù cho lực lượng nào làm và nhằm vào nước nào - thì cũng sẽ làm đảo lộn toàn bộ những toan tính và chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, kéo theo những thay đổi đáng kể trong định hướng chiến lược của các nước khác.

 

Tương tự, việc điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ sẽ tác động đến hàng loạt doanh nghiệp hai bên, tạo ra những luồng dịch chuyển dòng vốn và hàng hóa mới, đồng thời gây xáo trộn thị trường việc làm. Những tác động này được nhìn thấy rõ rệt trước hết là ở hai nước, nhưng không lâu sau đó sẽ nhanh chóng lan sang các nước hoặc thị trường thứ ba trước khi mở rộng quy mô ra toàn cầu.

 

Trong khi đó, dưới góc độ toàn cầu, Trung-Mỹ có rất nhiều vấn đề cần trao đổi do có nhiều lợi ích đan xen, ràng buộc. Ngoài những lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống, thì các điểm nóng hiện nay như Syria, Iran, bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông… cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức. Với tiềm lực và tầm ảnh hưởng to lớn của cả hai nước, tất cả những hồ sơ quốc tế này không thể được khép lại chừng nào hai nước chưa thực sự tìm được tiếng nói chung trong cách thức giải quyết.

 

Ở góc độ khu vực, Trung Quốc coi chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy và vươn ra bên ngoài của họ. Ngược lại Mỹ cũng coi sự phát triển lớn mạnh vượt bậc trong thời gian gần đây của Trung Quốc là nhằm thách thức địa vị lãnh đạo thế giới của Mỹ.

 

Tuy nhiên, cục diện đối đầu đan xen hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn ở cả những khu vực khác trên thế giới. Trước khi đến California, ông Tập Cận Bình có chuyến công du một loạt quốc gia ở Mỹ Latinh - nơi từng được coi là sân sau của Washington.

 

Vậy đâu là ranh giới phân biệt một cách rõ ràng giữa vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu trong quan hệ Mỹ - Trung, khi mà những vấn đề song phương thuần túy thì giờ đây cũng đang tạo ra ảnh hưởng toàn cầu và ngược lại, những vấn đề khu vực và toàn cầu liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới cả hai nước ở các mức độ ít nhiều khác nhau. Việc ranh giới bị xóa nhòa này đang đẩy vùng giao thoa rộng ra, vừa mang lại cơ hội hợp tác, vùa ẩn chứa nguy cơ đối đầu.

 

Trong bối cảnh đó, chắc chắn cả Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường can dự vào bất cứ khu vực hay lĩnh vực nào mà họ coi là gắn với lợi ích quốc gia. Cả hai nước sẽ tìm cách mở rộng cơ chế đối thoại nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp và giảm thiểu nguy cơ đối đầu không cần thiết. Hai nước cũng sẽ nỗ lực duy trì vùng đệm ảnh hưởng để kiềm chế lẫn nhau.

 

Nói cách khác, mối quan hệ Mỹ-Trung nóng hay lạnh, hợp tác hay đối đầu sẽ tác động đáng kể đến cục diện khu vực và thế giới, đòi hỏi các nước phải kịp thời thích nghi và ứng phó. Điều này giải thích tại sao dư luận tại mong muốn những tín hiệu tích cực, hợp tác và đồng thuận từ cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ lần này. Bởi nếu kết cục trái ngược, cuộc gặp không chính thức cũng chỉ mang tính biểu tượng