Quan hệ đồng minh Mỹ - EU: Rạn nứt vì bê bối nghe lén

14:54, 06/07/2013

Không khí lễ kỷ niệm 237 năm ngày nước Mỹ thoát khỏi sự thống trị của thực dân Anh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Washington liên tiếp phải hứng chịu những đòn trả đũa vụ bê bối nghe lén từ chính những đồng minh thân cận nhất là các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Bất chấp các tuyên bố xoa dịu và cam kết tiến hành một cuộc họp cấp cao về chương trình nghe lén với Đức mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra, hôm 4/7, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu tán thành mở một cuộc điều tra sâu rộng đối với những hành vi mà EP gọi là “gián điệp” của Washington. Trái ngược hoàn toàn với động thái từ chối không cho máy bay của Tổng thống Bolivia Morales hạ cánh vì nghi cựu nhân viên CIA E.Snownden có mặt trên chuyến bay, các thành viên của EP đã kêu gọi áp dụng các biện pháp bảo vệ “người lộ mật”. EP khẳng định, nếu không nhận được câu trả lời thỏa đáng của Washington, thỏa thuận chia sẻ thông tin xuyên Đại Tây Dương, được xây dựng sau vụ khủng bố 11/9 nhằm ngăn chặn từ xa những âm mưu phá hoại an ninh nước Mỹ tương tự, sẽ bị phá bỏ. Theo đó, các quốc gia thành viên của EU có thể xem xét việc ngừng cung cấp thông tin hành khách các chuyến bay và các dữ liệu giao dịch ngân hàng.

 

 

Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ - EU đã có dấu hiện rạn nứt sau khi Snowden tiết lộ các tài liệu cho thấy các cơ quan an ninh của Mỹ đã thực hiện những hoạt động gián điệp như trong “thời kỳ chiến tranh lạnh”. Thậm chí, diễn biến của vụ việc đã chuyển sang “tấn công” lĩnh vực thương mại khi Chính phủ Pháp cho biết, nước này muốn trì hoãn việc đàm phán thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho rằng, người dân nước này nên ngừng sử dụng dịch vụ internet của các công ty Mỹ như Google hay Facebook nếu muốn bảo toàn sự riêng tư của bản thân.

 

Hiện chưa rõ cuộc đàm phán FTA bắt đầu vào ngày 8/7 tới có diễn ra như kế hoạch hay không nhưng rõ ràng, mối quan hệ từng mặn nồng giữa hai bờ Đại Tây Dương đã không còn như trước. Sự nghi kỵ và phẫn nộ của EU chắc chắn sẽ khiến Mỹ là đối tượng bị thiệt thòi hơn trong mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi này.

 

Không chỉ có mình Washington gặp rắc rối với chương trình nghe lén, tờ Le Monde cho biết, Cơ quan tình báo Pháp đã, đang thực hiện chương trình nghe lén điện thoại và giám sát máy tính trong nhiều năm qua. Trước đó, Chính phủ Anh cũng vấp phải sự phản đối của dư luận trong và ngoài nước khi tờ Guardian tiết lộ London đã theo dõi các quan chức tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại đây năm 2008.