Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ đã chính thức khởi động đàm phán về Hiệp định Ðối tác đầu tư và thương mại xuyên Ðại Tây Dương (TTIP), với tham vọng cho ra đời một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều bất đồng lớn về các nội dung thương lượng đã báo trước chặng đường đầy sóng gió để có được "cái bắt tay" xuyên lục địa.
Cuộc đàm phán đầu tiên khai mạc ngày 8-7, tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), tập trung vào nội dung thắt chặt quan hệ thương mại giữa hai khu vực kinh tế hàng đầu thế giới. Ðại diện Thương mại Mỹ M.Phrô-men khẳng định, TTIP sẽ mang lại cơ hội phát triển vượt bậc cho các nền kinh tế Mỹ, EU. Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại C.Ðơ Gút tin tưởng, TTIP sẽ tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, giúp Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) sớm ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng. Cả hai bên cùng cho rằng, thỏa thuận thương mại xuyên Ðại Tây Dương cũng đem lại lợi ích đáng kể cho hệ thống thương mại toàn cầu đang trì trệ.
Các nền kinh tế Mỹ và EU chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ, 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. TTIP thành công sẽ là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất và là kiểu mẫu FTA xuyên lục địa đầu tiên của thế giới. Sở dĩ cả Mỹ và EU lạc quan về triển vọng TTIP còn bởi, theo ước tính của Ủy ban châu Âu (EC), TTIP khi đi vào cuộc sống sẽ cộng thêm 0,5% đến 1% tăng trưởng GDP hằng năm cho nền kinh tế mỗi bên và tạo thêm hàng triệu việc làm mới, trước mắt là khoảng nửa triệu việc làm ở châu Âu. Ðây rõ ràng là tin tốt lành đối với cả hai bên, trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới vẫn ì ạch, nhiều nền kinh tế châu Âu chìm sâu trong suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp trung bình 12,2%, riêng Hy Lạp con số này tới gần 30%.
Có nhiều ngành kinh doanh ở cả Mỹ và châu Âu được hưởng lợi từ TTIP: Xóa bỏ thuế và quy định hạn ngạch nhập khẩu sẽ giúp doanh thu tại thị trường Mỹ của các hãng sản xuất xe hơi châu Âu tăng mạnh. Các mặt hàng dược phẩm của Mỹ dễ dàng thâm nhập châu Âu hơn nhờ hệ thống cấp phép nghiêm ngặt và tốn kém của châu Âu được nới lỏng. Các nước EU có thể giảm được phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi ngành công nghiệp khí đá phiến của Mỹ cũng có thêm thị trường...
Với lợi ích lớn như vậy, cả EU và Mỹ đều mong muốn đẩy nhanh đàm phán và đặt mục tiêu ký kết thỏa thuận này đầu năm 2014, trước thời điểm EC hết nhiệm kỳ và tiến hành bầu Chủ tịch EC mới. Tuy nhiên, giữa EU và Mỹ tồn tại quá nhiều vấn đề bất đồng về chương trình đàm phán, khiến ngay cả những nhà đàm phán lạc quan nhất cũng nghi ngại mục tiêu quá tham vọng này.
Trở ngại lớn nhất đến từ Mỹ, khi ngay từ đầu Oa-sinh-tơn đã đặt ra "giới hạn đỏ", không muốn đàm phán nội dung quy chế tài chính do lo ngại về các quy định quản lý ngân hàng quá lỏng tay của EU. Vấn đề nữa, mang tính truyền thống, đó là lĩnh vực nông nghiệp. Mỹ cấm nhập khẩu thịt bò của châu Âu do lo ngại bệnh bò điên, trong khi EU cũng cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ nghi tiêm hoóc-môn tăng trưởng. Quy chế ưu đãi của Mỹ đối với doanh nghiệp trong nước, hay EU từ chối mở cửa thị trường đối với các mặt hàng công nghệ sinh học của Mỹ... là những rào cản lớn đối với tiến trình đàm phán.
Một trở ngại nữa đến từ EU, Pháp tuyên bố cản trở đến cùng nếu các sản phẩm văn hóa, như phim ảnh, băng đĩa và truyền thông số được đưa thành một nội dung trong TTIP. Pháp có lý do đặt "ngoại lệ văn hóa" làm điều kiện tiên quyết. Bởi, cán cân doanh thu từ dịch vụ điện ảnh, truyền hình hiện nghiêng hẳn về phía Mỹ. Dịch vụ in-tơ-nét và công nghệ số hầu như nằm trọn trong tay các tập đoàn Mỹ. Trong khi đó, bê bối do thám tình báo Mỹ đối với các đồng minh châu Âu (được cựu nhân viên an ninh Mỹ E.Xnâu-đơn tiết lộ) đang phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ - EU. Brúc-xen dọa sẽ cân nhắc lại đàm phán về hai nội dung Mỹ đề xuất gồm trao đổi thông tin tài chính và thông tin hành khách trên các chuyến bay nếu Oa-sinh-tơn không cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế trong chương trình do thám. Tiết lộ về chương trình của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ thu thập thông tin người dùng in-tơ-nét đối với cả công dân châu Âu cũng làm bùng lên làn sóng phản đối tại nhiều nước khắp "lục địa già"... Tất cả có thể đe dọa phá vỡ tiến trình đàm phán TTIP vừa được khởi động.
MỸ và EU phải mất 12 năm để "thai nghén" ý tưởng chung về một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Ðể triển khai ý tưởng thành hiện thực cần thời gian nhất định và phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong bối cảnh chồng chất khó khăn hiện nay ở cả Mỹ và châu Âu, mục tiêu đầy tham vọng là hoàn tất đàm phán TTIP trong 18 tháng tới sẽ không dễ dàng đạt được với cả Mỹ và EU.