Trong một cố gắng tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, theo hãng tin Reuter ngày 9-9, Nga đã bất ngờ đưa ra đề nghị kép để thoát khỏi bế tắc. Đó là đề xuất kịch bản Syria giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học cho Liên hợp quốc giám sát, đồng thời thúc giục Mỹ tổ chức một hội nghị hòa bình thay cho giải pháp can thiệp quân sự.
Ngoại trưởng Nga Lavrov nói với người đồng cấp Syria Walid al-Moualem "Chúng tôi không biết liệu Syria có đồng ý với điều này hay không, nhưng nếu đặt vũ khí hóa học dưới sự giám sát quốc tế để giúp tránh các cuộc tấn công quân sự, chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt tay vào việc đó. Chúng tôi đã chuyển lời đề nghị này tới bộ trưởng Muallem ...và hy vọng một câu trả lời tích cực cũng như nhanh chóng. Song song với việc chuyển giao các vũ khí hóa học và để chúng bị phá hủy, Syria cũng nên trở thành một thành viên đầy đủ của Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học (OPCW)".
Động thái giảm căng thẳng và tìm lối thoát hòa bình được đưa ra trong lúc các bên trước đó vẫn trong trạng thái đối đầu. Ngoại trưởng Syria Moualem nhận định rằng đây là thời điểm "tiếng trống phát động chiến tranh đang được đánh từ chính quyền Mỹ" còn Ngoại trưởng Mỹ Kerry ngay trước tuyên bố của ông Lavrov đã vừa hé mở đối thoại vừa thẳng thừng đặt điều kiện "Chuyển giao tất cả vũ khí hóa học, không trì hoãn, cũng như cho phép việc kiểm kê toàn bộ và đầy đủ" để đổi lấy một hòa bình.
Giải pháp chính trị mang tính gỡ nút này đưa ra trong bối cảnh TT Obama đang lưỡng lự tham vấn Quốc hội Mỹ và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế trước khi quyết định can thiệp quân sự.
Ngay lập tức, sáng kiến này đã nhận được những phản ứng khá tích cực. Ngoại trưởng Syria Muallem trong khi nói nước đôi "chưa biết Tổng thống Assad có tán thành hay không" vẫn khẳng định lạc quan: "Tôi nhấn mạnh rằng Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga, trên cơ sở là sự quan ngại của lãnh đạo Syria về sinh mạng của người dân nước tôi cũng như an ninh của đất nước".
Trong khi đó Thủ tướng Anh Cameron dè dặt thừa nhận tại Nghị viện Anh rằng :"Nếu Syria giao nộp các vũ khí hóa học, dưới sự giám sát quốc tế, thì rõ ràng đó là một bước tiến lớn và nên được khích lệ" bất chấp việc cá nhân ông nhận định, đó có thể là một "chiến thuật nghi binh" câu giờ giữa lúc nước sôi lửa bỏng.
Một cách bình tĩnh theo kiểu "được lời như cởi tấm lòng", Tổng Thư ký Liên hợp quốc đón nhận tin này dường như với một kế hoạch đã lập sẵn trong đầu: "Tôi đang cân nhắc việc thúc giục Hội đồng Bảo an yêu cầu chuyển ngay lập tức các vũ khí hóa học và các kho hóa học tới những địa điểm ở Syria, nơi chúng được lưu trữ an toàn và được tiêu hủy", Ông Ban-ki Moon nói.
Có thể nói, tung hứng đề xuất tháo gỡ "bom" của Nga-Mỹ-Syria đưa ra trước giờ G có thể xem như tiêu biểu cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm giải pháp chính trị xử lý khủng hoảng Syria.
Được hay không, tuy nhiên vẫn phải chờ. Song nhân loại có quyền hy vọng về một cuộc đụng đầu kiểu như khung hoảng tên lửa Cuba hồi nào, đến phút chót lại được hóa giải dù khả năng rất mong manh, khi mà tất cả đạn bom đã sẵn sàng.