Chiều 20/9, tại Campuchia, Hội thảo Khu vực về ASEAN và Biển Đông: Thành tựu, Thách thức và Định hướng tương lai, do Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia cùng Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Quốc tế Nhật Bản phối hợp tổ chức tại Phnom Penh đã bế mạc sau hai ngày làm việc.
Các học giả và chuyên gia của ASEAN, Trung Quốc và các nước trong khu vực tham dự hội thảo đã trao đổi các quan điểm thực chất về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định lâu dài tại Biển Đông, thông qua việc thúc đẩy đàm phán tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc...
Các đại biểu tập trung đánh giá các thành tựu, hạn chế của hợp tác ASEAN, cũng như hợp tác ASEAN với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; tìm kiếm giải pháp để ASEAN và Trung Quốc tiếp tục hợp tác giải quyết vấn đề Biển Đông trong thời gian tới và tìm cách xây dựng quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông (COC).
Các tham luận trình bày tại Hội thảo thẳng thắn thừa nhận, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang đặt ra những thách thức lớn đối với quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định và đe dọa hòa bình trong khu vực.
Tuy nhiên, chính những thách thức này lại trở thành động lực giúp ASEAN và Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp tục phát huy những thành tựu hợp tác thời gian qua, hướng tới một tương lai hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, trưởng đoàn Việt Nam tham dự cuộc Hội thảo cho rằng, Hội thảo lần này cho thấy một sự thay đổi về quan điểm nhìn nhận vấn đề của các đại biểu ASEAN và Trung Quốc.
Tại Hội thảo, các đại biểu Trung Quốc không còn đặt ra câu hỏi là Biển Đông có phải là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc hay không nữa, mà tập trung đánh giá về hệ lụy ảnh hưởng đối với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc, nếu ASEAN và Trung Quốc không kiểm soát được tình hình Biển Đông.
Đại biểu Trung Quốc cũng không còn thảo luận việc ASEAN và Trung Quốc có cần thiết có Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông hay không, mà tập trung vào việc tìm giải pháp để xây dựng được một Bộ Quy tắc ứng xử như vậy.
Các đại biểu ASEAN giờ đây không đặt vấn đề ASEAN có cần thiết phải có tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông hay không, mà tập trung thảo luận tìm biện pháp tăng cường tiếng nói chung, tình đoàn kết của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Trong Hội thảo lần này, các đại biểu ASEAN không còn đặt ra câu hỏi rằng các nước không có yêu sách ở Biển Đông có liên quan đến vấn về Biển Đông trong ASEAN hay không. Thay vào đó, các đại biểu thảo luận tìm giải pháp để các nước không có yêu sách ở Biển Đông có thể đóng góp cho nỗ lực chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nhất trí và đánh giá cao bài tham luận của đoàn Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình sẽ là điều kiện tiên quyết tạo dựng lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc, tạo dựng cơ sở cho ASEAN và Trung Quốc mở rộng hợp tác, nâng quan hệ hợp tác chiến lược lên tầm cao mới trong tương lai.
Các đại biểu ASEAN và Trung Quốc cùng nhất trí cho rằng hai bên cần xây dựng lòng tin, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và cần có quyết tâm chính trị, để kiểm soát thành công vấn đề Biển Đông một cách hòa bình.
Hội thảo diễn ra chỉ vài ngày sau khi kết thúc cuộc họp Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 9 và Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc lần thứ 6 về Thực hiện Tuyên bố của các bên về Ứng xử tại Biển Đông (DOC) diễn ra tại Tô Châu, Trung Quốc trong hai ngày 14 và 15 tháng 9 vừa qua.
Các đại biểu tham dự Hội thảo hy vọng rằng, những kết quả đạt được qua quá trình thảo luận sẽ đóng góp vào thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 16 tại Brunei trong tháng 10 tới, nhất là các vấn đề liên quan đến hợp tác ASEAN-Trung Quốc tại Biển Đông./.