Tổng thống Syria từ chức có điều kiện?

10:50, 08/09/2013

Thông tin trên tờ "Tương lai" của Lebanon đang khiến dư luận xôn xao khi dẫn các nguồn tin thân cận của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki khẳng định: Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chấp nhận từ chức có điều kiện.

Ông Bashar al-Assad chấp nhận ra đi với một số điều kiện, trong đó có việc xây dựng một cơ chế chuyển giao quyền lực thông qua bầu cử sớm, đảm bảo không đưa ông ra xét xử trước tòa án hình sự quốc tế và tạo hành lang an toàn cho gia đình và những cộng sự thân cận rời khỏi Syria tới một nước khác.

Đây được coi là kết quả sau nhiều lần thuyết phục của Thủ tướng Nuri al-Maliki với Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, nguồn tin trên cũng cho biết, Washington đã từ chối đề xuất của Thủ tướng Nuri al-Maliki bởi Mỹ không thể thay mặt phe đối lập Syria quyết định vấn đề này.

Hơn nữa, Mỹ vẫn bảo lưu quan điểm “Tổng thống Bashar al-Assad phải lập tức từ chức một cách vô điều kiện và không kèm theo bất kỳ sự đảm bảo nào”. Hiện Chính phủ Iraq, Syria cùng các bên liên quan chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về thông tin này.

Sự việc trên diễn ra đúng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thủ đô Vilnius của Lithuania để tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ từ châu Âu cho kế hoạch tấn công Syria của Washington. Bởi theo Ngoại trưởng Mỹ, cái giá của việc không hành động còn đắt hơn chi phí cho cuộc tấn công vào Syria. Tại đây, ông John Kerry gặp các nhà lãnh đạo Lithuania, sau đó có các cuộc gặp không chính thức với ngoại trưởng các nước châu Âu (7/9).

Được biết, ngoại trưởng các nước châu Âu sẽ thương đàm vấn đề Trung Đông bao gồm Syria và Ai Cập, cũng như về quá trình đàm phán đang diễn ra giữa Israel và Palestine.

Tờ Telegraph đưa tin, theo các kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, có khoảng 60% người dân Mỹ phản đối kế hoạch tấn công Syria, bất chấp những vận động hành lang ráo riết của Ngoại trưởng John Kerry.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Syria Mohammad Jihad al-Laham đã kêu gọi Hạ viện Mỹ (6/9) thông qua một cuộc "đối thoại văn minh" thay vì một cuộc "đối thoại bằng máu và súng đạn". Cũng trong ngày 6/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama: Không nên sử dụng các cuộc tấn công quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và giải pháp chính trị là lựa chọn duy nhất.

Theo giới truyền thông, ông Barack Obama đã thất bại trong việc kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế cho kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria cho dù bỏ ra 2 ngày vận động hành lang ở Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại St. Petersburg, Nga.

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin không những phản đối hành động can thiệp quân sự vào Syria, mà còn bác bỏ cáo buộc của Washington và các đồng minh của Mỹ khi nói rằng: Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công ở ngoại ô Damascus hôm 21/8. Ông Putin còn nhấn mạnh, Nga sẽ sát cánh cùng Syria nếu Mỹ mở cuộc tấn công quân sự vào nước này.

Tổng Thư ký Liên hợp Quốc ban Ki-moon cũng kêu gọi nước ngoài không cung cấp vũ khí cho bất cứ bên nào trong cuộc xung đột hiện nay ở Syria, đồng thời khẳng định dù thế nào chăng nữa, quân sự cũng không thể là giải pháp cho cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.

Giới bình luận cho rằng, những tiếng nói phản chiến từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, EU, Đức và ngay cả 114 điểm trong Tuyên bố chung (32 trang với 20 chương) của Hội nghị thượng đỉnh G-20 cũng không có một điểm nào nói về vấn đề Syria khiến Mỹ phải cân nhắc kỹ trước khi ấn nút khai hỏa cuộc chiến chống Syria.

Ngày 6/9, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Barack Obama được cho là ra lệnh mở rộng các mục tiêu tiềm năng ở Syria, sau khi tình báo nước này cho hay Syria đang di chuyển quân đội và thiết bị "dùng để triển khai vũ khí hóa học".

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bất chấp còn tồn tại những quan điểm trái chiều về cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, nhưng đã có một sự thống nhất rộng rãi: tiến trình chính trị cần phải được tiếp tục. Tổng Thư ký NATO Ramussen khẳng định, NATO sẽ không tham gia vào một chiến dịch quân sự tại Syria bởi vai trò của NATO nếu có một cuộc tấn công quân sự tại Syria, sẽ chỉ là một diễn đàn tham vấn và làm nhiệm vụ bảo vệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameroon vẫn cho rằng, cộng đồng quốc tế không thể trì hoãn những biện pháp trừng phạt Syria bằng quyền phủ quyết của Nga bởi “việc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, Paris sẽ đợi báo cáo của các thanh sát viên Liên hợp quốc và phiên bỏ phiếu của Quốc hội Mỹ về đề xuất tấn công quân sự Syria. Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị sơ tán các nhân viên không có nhiệm vụ cần thiết cùng gia đình ở Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Beirut của Lebanon, đồng thời khuyến cáo công dân Mỹ tránh tới quốc gia này và hoãn các chuyến đi tới khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tờ USA Today, bài phát biểu trước toàn quốc từ Nhà Trắng hôm 10/9 của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là khoảnh khắc quan trọng trước khi Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn việc tấn công quân sự Syria.

Phát biểu trước các phóng viên sau khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở TP St.Petersburg của Nga hôm 6/9, Tổng thống Barack Obama cho biết: Một phần nhiệm vụ của ông là giúp đưa ra lý do và giải thích chính xác cho nhân dân Mỹ tại sao lại nghĩ đây là điều cần phải làm.

Ông Barack Obama cho rằng, thế giới không thể đứng yên trước cuộc khủng hoảng tại Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ lại từ chối cho biết “liệu có ra lệnh tấn công ngay cả khi Quốc hội từ chối phê chuẩn hay không”.