Ngày 14/9, tại Geneva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục cuộc hội đàm để thống nhất một khung pháp lý cho việc giải trừ vũ khí hóa học của Syria.
Sau khi kết thúc hội đàm với Ngoại trưởng Sergei Lavrov, ông John Kerry sẽ bay sang Israel và Pháp để bàn về vấn đề Syria. Được biết, Mỹ muốn Syria giao nộp vũ khí hóa học trong 2-3 tuần. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov cho rằng, Mỹ đang đặt ra mốc thời gian “phi thực tế” để Damascus giao vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế bởi tại Syria có ít nhất 42 kho chứa vũ khí hóa học, một số nằm trong vùng chiến sự. Trước đó (13/9), Tổng thống Nga Putin cho rằng, cộng đồng quốc tế nên hoan nghênh quyết định từ bỏ vũ khí hóa học của Syria bởi điều này thể hiện thái độ nghiêm túc của Damascus.
Kênh truyền hình RT của Nga đưa tin, trong tuyên bố hôm 13/9, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: Nga, Mỹ và Liên hợp quốc đã nhất trí cho rằng, giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria hiện nay nằm trong khuôn khổ của Hội nghị đàm phán hòa bình "Geneva-2". Bởi sau cuộc họp tại Geneva ngày 13/9, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Ngoại trưởng John Kerry và đặc phái viên chung về Syria của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi "tái khẳng định cam kết của mình nhằm khởi động các hoạt động đầu tiên của cuộc đối thoại về Syria tại Geneva giữa đại diện của Chính phủ Syria và các nhóm đối lập chính ở nước này".
Đại diện của Nga, Mỹ và Liên hợp quốc cũng đã quyết định tiếp tục gặp nhau để tiến hành cuộc đàm phán ba bên bên lề phiên họp thường kỳ của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York từ ngày 17/9. Ngoại trưởng John Kerry cho biết, Nga - Mỹ đã nhất trí tiếp tục tham vấn trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) vào ngày 28/9 để thúc đẩy hội nghị hòa bình “Geneva-2” về vấn đề Syria.
Ngày 13/9, hãng tin AP dẫn lời trưởng đoàn thanh sát Liên hợp quốc Ake Sellstrom cho biết, đoàn chuyên gia của Liên hợp quốc, tham gia điều tra vụ sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, đã hoàn thành báo cáo của họ. Dự kiến, báo cáo này sẽ được trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon vào cuối tuần này, nhưng nội dung của bản báo cáo hiện vẫn được giữ bí mật. Theo các thông tin sơ bộ, bản báo cáo kể trên không kết luận ai là chủ mưu thực hiện vụ tấn công vũ khí hóa học hôm 21/8 ở Syria. Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định: Hiện tôi không thể phát biểu công khai về việc này vì chưa nhận được bản báo cáo.
Dự kiến, ngày 16/9, Liên hợp quốc sẽ công bố kết quả xét nghiệm các mẫu vật nghi có dấu vết vũ khí hóa học thu thập được tại Damascus liên quan tới vụ tấn công vũ khí hóa học hôm 21/8. Được biết, nhiệm vụ chính của đoàn thanh sát là đưa ra kết luận vụ tấn công hôm 21/8 có phải sử dụng vũ khí hóa học hay không và điều đó xảy ra trong hoàn cảnh nào.
Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Washington tin tưởng rằng, kết quả của báo cáo sẽ "tái khẳng định vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria" mà không gán trách nhiệm cho bất kỳ các bên xung đột nào trong cuộc nội chiến Syria. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama cũng nhắc lại, bất kỳ thỏa thuận nào về vũ khí hóa học của Syria cũng phải được kiểm chứng và được thực thi. Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Jaafari cho biết, về mặt pháp lý, Syria đã trở thành một thành viên chính thức của Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hóa học, sau khi Tổng thống Bashar al-Assad ký sắc lệnh “tuyên bố phê chuẩn Cộng hòa Arab Syria tham gia hiệp ước". Ngoại trưởng Syria Walid Moualem cũng đã có văn bản gửi Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW). Dự kiến, OPCW sẽ xem xét yêu cầu của Syria trong tuần tới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh việc Tổng thống Bashar al-Assad ký thỏa thuận tham gia Hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hóa học.
Hãng Reuters dẫn lời các quan chức Liên hợp quốc cho biết, sau một tuần đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ và sau cuộc họp kín hôm 13/9, 155 thành viên Liên minh đối lập Syria (SNC) đã đạt được thỏa thuận, theo đó ông Ahmad Tumeh al-Khader được chọn là ứng viên duy nhất cho chức Thủ tướng lâm thời. Động thái này được coi để nâng cao uy tín quốc tế của SNC trong bối cảnh Mỹ và Nga đang tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc nội chiến kéo dài hơn 2,5 năm qua tại Syria. SNC cũng khẳng định, nhận được hỗ trợ từ Mỹ để tiến hành thêm các cuộc tấn công chống lại Chính phủ Syria. Được biết, Pháp, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Jordan đã nhất trí tăng cường cho phe đối lập Syria trong cuộc chiến chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong khi đó, nhóm quân sự có tên gọi Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), một tổ chức liên kết giữa các tay súng al-Qaeda ở Iraq và Syria đã tuyên chiến với hai nhóm nổi dậy khác có tên là Tiểu đoàn Farouq và Tiểu đoàn Nasr trong một động thái báo hiệu tình trạng hỗn loạn ngày càng tăng cao trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2,5 năm qua. Giới truyền thông đã tường thuật về làn sóng đấu đá nội bộ của quân nổi dậy Syria trong vài tháng qua, xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ và chiến lợi phẩm.