Các nhà lãnh đạo thế giới hối thúc Mỹ giải quyết bế tắc tài chính

09:34, 15/10/2013

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị hằng năm của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 13-10 đã kêu gọi và cảnh báo: Mỹ phải nâng mức trần nợ công và mở cửa chính phủ trở lại hoặc là đối mặt với nguy cơ làm “gián đoạn nghiêm trọng nền kinh tế trên quy mô toàn thế giới” như Giám đốc IMF Christine Lagarde nói.

Những vấn đề tài chính của Mỹ đã bao phủ chương trình nghị sự chính thức của các cuộc họp, với đại diện đến từ hơn 20 quốc gia – trong đó có cả hai đối tác kinh tế quan trọng nhất của Mỹ là Saudi Arabia và Trung Quốc – công khai bày tỏ lo ngại về những gì đang diễn ra tại Đồi Capitol và Nhà Trắng.

 

Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC News, bà Lagarde nói, các nhà lãnh đạo đã đến Washington để thảo luận về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và “họ nhận thấy rằng, trần nợ công là vấn đề, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa và không có biện pháp khắc phục nào sớm được đưa ra”.

 

Với việc chỉ còn ba ngày trước hạn chót nước Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ, các nhà lãnh đạo Thượng viện Mỹ ngày 13-10 đã không thể đạt được thỏa thuận về một kế hoạch mở cửa trở lại Chính phủ và tăng mức trần nợ công.

 

Nhiều nhà lãnh đạo tại các cuộc họp của WB và IMF tin rằng, sự bế tắc có thể được giải quyết trước ngày 17-10, khi Chính phủ Mỹ có thể rơi vào nguy cơ không có đủ tiền để trả cho tất cả các hóa đơn của mình vào bất cứ ngày nào sau thời điểm đó.

 

Tuy nhiên, họ cũng gây sức ép đối với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob J. Lew và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben S. Bernanke – đều tham dự cuộc họp của IMF – về vấn đề này, với dự đoán rằng, sự vỡ nợ đang gần kề có thể dẫn đến việc chi phí đi mượn cao hơn và làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

 

“Điều này không thể xảy ra và nó sẽ không xảy ra. Những hậu quả của việc này sẽ vô cùng thảm khốc”, Baudouin Prot, Chủ tịch Ngân hàng Pháp BNP Paribas, nói tại cuộc họp của Viện Tài chính quốc tế (Institute of International Finance - IIF) cũng được tổ chức tại Washington.

 

Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schäuble, cũng đưa ra kêu gọi khẩn cấp của mình. “Sự cân bằng tài chính phải được giải quyết mà không có sự trì hoãn nào”, ông Wolfgang Schäuble nói trong một thông cáo do IMF đưa ra.

 

Nhiều trong số các quan chức tài chính cấp cao tham dự các cuộc họp tại Washington đều công khai đưa ra những yêu cầu khẩn thiết đối với Quốc hội Mỹ, với những cảnh báo đến từ nhiều đồng minh và chủ nợ của Washington. Người đồng cấp của bà Lagarde tại WB, Jim Yong Kim, nói, thế giới “chỉ còn vài ngày trước khi tiến đến một thời điểm vô cùng nguy hiểm”.

 

“Chúng ta càng tiến gần đến hạn chót, sự ảnh hưởng càng lớn hơn đối với các nước đang phát triển”, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh.

 

Trong khi đó, Fahad Almubarak, Thống đốc Cơ quan tiền tệ Saudi Arabia (SAMA), nói “những thỏa thuận chính trị ngay tức khắc về ngân sách và các vấn đề nợ công là cần thiết để bảo vệ và củng cố cho sự phục hồi với tốc độ vừa phải” của nền kinh tế thế giới. Một quan chức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Yi Gang, cũng nhấn mạnh, những bất ổn về tài chính “phải được giải quyết ngay lập tức”.

 

Quan ngại về tình trạng bế tắc tài chính tại Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán trượt nhẹ. Niềm tin vào nền kinh tế Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ cuộc sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008. Các nhà đầu tư đã bán hạ giá một số loại trái phiếu ngắn hạn của kho bạc Mỹ do lo ngại cơ quan này không thể trả nợ đúng hạn.

 

Thị trường chứng khoán kết thúc phiên giao dịch vào tuần trước với đầy hy vọng, sau khi các Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa thực hiện những bước đầu tiên hướng đến một sự thỏa hiệp. Nhưng hy vọng này dần biến mất vào cuối tuần. Ngày 13-10, với các cuộc đàm phán ở Thượng viện không có tiến triển, giá trị của đồng đô la Mỹ đã bị giảm nhẹ.

 

Vào ngày 14-10, mọi sự chú ý tại thị trường Mỹ và châu Âu sẽ đổ dồn vào các cuộc đàm phán của Quốc hội Mỹ. Các công ty lớn ở Mỹ sẽ công bố kết quả kinh doanh hằng quý vào tuần này, đây thường là một sự kiện quan trọng với phố Wall nhưng nó có thể thu hút ít sự chú ý cho đến khi các cuộc đàm phán chính trị kết thúc.