Tham nhũng đang ảnh hưởng tới toàn bộ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gây thiệt hại kinh tế khoảng 120 tỷ euro, tương đương 162,2 tỷ USD mỗi năm, báo cáo chính thức của EU cho biết.
Đây là kết quả của nghiên cứu đầu tiên về tình trạng tham nhũng tại 28 quốc gia thành viên EU, được công bố ngày 3/2.
Theo ủy viên châu Âu Cecilia Malmstrom, người chủ trì đợt nghiên cứu này, con số tổn thất ước tính 120 tỷ euro/năm nêu trên là do việc lo lót cho các hợp đồng của chính phủ, các khoản tài trợ chính trị trá hình, hối lộ để được chăm sóc y tế và các loại hình tham nhũng khác. Con số trên tương đương nhân sách hoạt động một năm của cả EU.
Theo bản báo cáo, toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU đều có tình trạng tham nhũng, dù ở những cấp độ khác nhau.
“Không có một khu vực nào không có tham nhũng tại châu Âu”, bà Malmstrom khẳng định trong buổi họp báo. “Chúng ta đều chưa hành động đủ mức cần thiết. Và điều này diễn ra ở tất cả các quốc gia thành viên”.
Bản báo cáo không xếp hạng tình trạng tham nhũng tại các quốc gia, nhưng bà thừa nhận những “nền dân chủ non trẻ hơn” tại Đông Âu đối mặt với thách thức đặc biệt. Bản báo cáo cũng nêu cụ thể vấn đề ở từng quốc gia và các câu chuyện chống tham nhũng thành công.
Theo bản báo cáo, nhìn chung ở các chính quyền cấp địa phương và khu vực, tham nhũng phổ biến hơn. Và tại một số quốc gia EU, tham nhũng rất thường xuyên khi muốn được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hoặc trong các ngành xây dựng và quảng bá dự án bất động sản tại đô thị.
Các hợp đồng của chính phủ bị đội giá cũng là một vấn đề cụ thể khác, bà Malmstrom nói. Các khoản mua sắm hàng hóa, dịch vụ do ngân sách chính phủ tài trợ chiếm khoảng 20% tổng chi tiêu của toàn EU. Và khoảng 1/4 số tiền chi tiêu này bị “rò rỉ” bởi tham nhũng.
Đối với khu vực tư nhân, 4/10 công ty tham gia khảo sát coi tham nhũng là một trở ngại trong kinh doanh tại EU, Malmstrom khẳng định.
“Một lượng tiền khổng lồ bị thất thoát vì đây”, bà nói. “Nếu chúng ta không lên án tham nhũng bởi vì nó là vô đạo đức và nó đang ăn mòn sự hợp pháp dân chủ, thì ít nhất vì lý do kinh tế cũng đáng để hành động nhiều hơn”.
Số tiền thuế người dân châu Âu chi trả rất thường xuyên bị chi sai mục đích để mua các hàng hóa, dịch vụ mà không đem lại cho người dân những lợi ích tương xứng với đồng tiền của họ, vị ủy viên châu Âu nói.