(TN) - Nhiều phương tiện thông tin gần đây cho rằng vùng đất Crimea (đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới) là món quà của Nga tặng cho Ukraina năm 1954 là không chính xác. Bởi vì trong thời kỳ đó nước Nga và Ukraina đều là những thực thể đất nước nằm trong một quốc gia chung đó là Liên bang Xô Viết.
Nghĩa là việc phân định, chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính đều do Xô Viết tối cao quyết định. Nên ta có thể hình dung giống như phân chia địa giới một đơn vị thuộc khu vực này hành chính này sang thuộc khu vực hành chính khác, chứ không hoàn toàn đồng nghĩa với việc người ta cho rằng Nga tặng vùng đất Crimea cho Ukraina.
Crimea của Ukraina là một vùng đất nổi chìm trong lịch sử. Vào khoảng thế kỷ thứ IX đã từng là một quốc gia hưng thịnh, và là một trong những cái nôi văn minh của loài người. Rất có thể vị trí đắc địa mang tính chiến lược chuyển tiếp của một dải lục địa thông ra biển Đen và biển Azov nên bị các thế lực đế quốc phong kiến xâm lăng và là nơi tranh chấp của nhiều cường quốc kéo dài nhiều thế kỷ. Crimea đã từng bị Mông Cổ, nhiều nước Tây âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và nước Nga thống trị. Từ năm 1853 đến 1856 đã có một cuộc chiến tranh rất lớn xảy ra tại đây với sự đối đầu của đế quốc Anh, Pháp, với nước Nga (nhiều nhà sử học coi đây mới là chiến tranh thế giới lần thứ nhất).
Năm 1917 cách mạng Tháng Mười thành công, một loạt các nước gia nhập vào Liên bang Xô Viết. Thể chế liên bang thống nhất trong một cơ chế chính trị, pháp luật, kinh tế… Ukraina gia nhập vào Liên bang năm 1922. Năm 1954 Xô Viết tối cao đã quyết định tách vùng đất Crimea vốn thuộc nước Nga chuyển cho nước Cộng hoà XHCN Ukraina.
Liên Xô sụp đổ, năm 1991 Ukraina tuyên bố độc lập. Từ đó đến nay quốc gia này luôn trong tình trạng xung đột giữa các phe phái chính trị thân Nga và phe thân phương Tây. Một chính phủ mới ra đời bất kể thuộc phe phái nào (hợp pháp hay không hợp pháp) sau đó đều bị đối phương cáo buộc là gian lận và tham nhũng. Những bất ổn đã làm cho Ukraina (vốn là nước lớn mạnh chỉ đứng sau Nga) trở thành quốc gia nghèo nhất khu vực.
Ngày 16-3, nước cộng hoà tự trị Crimea tiến hành trưng cầu dân ý để trở thành quốc gia độc lập và sáp nhập vào Nga. Mỹ và phương Tây đã đưa ra dự thảo nghị quyết tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để phản đối việc này nhưng Nga bỏ phiếu chống, Trung Quốc bỏ phiếu trắng, vì thế dự thảo nghị quyết không có hiệu lực ban hành. Crimea vẫn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý dưới sự giám sát của 70 quan sát viên đến từ 23 nước và hàng nghìn nhà báo đến đưa tin. Kết quả đúng như dự đoán, khoảng gần 90% cử tri (trong tổng số 1,5 triệu cử tri) đã đi bỏ phiếu và 96,6% số phiếu đồng ý Crimea ly khai khỏi Ukraina để sáp nhập vào nước Nga.
Nếu căn cứ theo tỷ lệ cơ cấu dân tộc và tỷ lệ phiếu đồng thuận thì không chỉ riêng người gốc Nga mà nhiều người thuộc các sắc tộc khác như người Ukraina và Tatar cũng bỏ phiếu tán thành sáp nhập Crimea vào Nga.
Về nhiều phương diện, có thể nói người Nga đã chiến thắng ngoạn mục. Họ không tốn một viên đạn nào để lấy lại được Crimea. Dù Mỹ, Tây Âu không công nhận nước cộng hoà này độc lập và càng không đồng ý vùng đất này sáp nhập vào Nga, nhưng thực tế Ukraina mất vùng đất Crimea là không thể tránh khỏi, chắc chỉ trong thời gian không lâu, nước Nga sẽ chính thức sáp nhập Cimea, vấn đề là chỉ cần hợp thức hoá về mặt pháp lý để Quốc hội Nga phê chuẩn.
Ukraina mất Crimea không phải bằng sự tước đoạt quân sự của một nước khác, cũng không phải từ một nhóm nổi dậy cướp chính quyền bằng vũ lực mà bằng sự ly tán, ly khai của lòng dân họ đồng thuận từ giã Ukraina thông qua lá phiếu - phương tiện dân chủ, bầy tỏ ý nguyện của mình.
Có thể nói Mỹ và phương Tây đã phán đoán cục diện sai lầm nên từ đầu đã sớm hoan hỷ công nhận và hậu thuẫn cho phe đối lập (đã lật đổ cựu Tổng thống Ukraina) chống đối Nga vì thế đã vô tình tạo cớ cho Tổng thống Nga Putin đi một nước cờ bất ngờ dù không bị tốn thời gian, công sức mà vẫn có được Crimea - một vùng đất chiến lược quan trọng đối với Nga, trong bối cảnh NATO vẫn không ngừng mở rộng kết nạp các thành viên vốn từng là đồng minh của Nga.