Tổng thống Mỹ Barack Obama và một số nhà lãnh đạo khác đã quyết định kết thúc vai trò của Nga trong nhóm các nước công nghiệp hàng đầu G8, Nhà Trắng cho biết hôm 24-3.
“Luật pháp quốc tế ngăn cấm việc tiếp nhận một phần hoặc tất cả lãnh thổ của một quốc gia khác bằng ép buộc hoặc vũ lực. Chúng tôi lên án cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp tại Crimea vì nó vi phạm hiến pháp Ukraine” - nhóm G8 tuyên bố về việc loại bỏ Nga. Thế nhưng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng việc bị loại khỏi G8 không phải là chuyện lớn.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại Hà Lan, các nhà lãnh đạo G7 quyết định hoãn Hội nghị Thượng đỉnh G8 (gồm các nước G7 và Nga) sắp tới tại Sochi - Nga cho đến khi nước này thay đổi lập trường về vấn đề Crimea. Bên cạnh đó, các nước G7 cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào kinh tế nếu Tổng thống Vladimir Putin tiến hành thêm hành động gây bất ổn Ukraine. Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí Bộ trưởng Năng lượng những nước này sẽ làm việc với nhau nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng.
Trong khi đó, Bộ Kinh tế Nga hôm 24-3 thừa nhận lạm phát tăng nhanh chóng, dòng vốn chảy ra nước ngoài là dấu hiệu cho thấy căng thẳng quốc tế về vấn đề Ukraine đã gây tổn thất nghiêm trọng kinh tế nước này. Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga Andrei Klepach nói: “Sự sụt giảm đầu tư đang tiếp tục và tôi chưa thể nói nó sẽ kéo dài bao lâu”.
Mặt khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24-3 áp đặt lênh trừng phạt với 13 chính trị gia và quan chức Canada. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, lệnh trừng phạt nhằm đáp trả lệnh trừng phạt trước đó của Canada đối với các quan chức trong Chính phủ và Quốc hội Nga. Trong số 13 quan chức Canada bị Nga áp đặt lệnh trừng phạt có Christine Hogan - cố vấn về chính sách ngoại giao và quốc phòng của Thủ tướng Stephen Harper, Wayne Wouters - Thư ký Hội đồng Cơ mật và là Chánh Văn phòng Nội các và các quan chức khác.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow mong muốn sự hợp tác cởi mở, xây dựng và chân thành với Canada song sẽ có hành động đáp trả sự không thân thiện. Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada John Baird nói: “Thay vì trả lời lời kêu gọi rút quân từ cộng đồng quốc tế, Nga tiếp tục hành động khiêu khích và điều này hoàn toàn không thể chấp nhận”.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 24-3 đi thị sát quân đội và các cơ sở quân sự ở Crimea. Ông là quan chức cấp cao Nga đầu tiên tới Crimea kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ của mình.