Bộ Ngoại giao Nga hôm 28-3 ra thông cáo tuyên bố Nga lấy làm tiếc rằng chính phủ tạm quyền Ucraina và các nhà tài trợ nước ngoài của họ đã thông qua bản nghị quyết của LHQ về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina.
Nhắc tới cuộc bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ về bản nghị quyết không công nhận sự sáp nhập bán đảo Crưm vào lãnh thổ Nga, Bộ Ngoại giao nước này nói rằng "những tiềm năng chưa được dùng đến của bộ máy tuyên truyền thời Chiến tranh Lạnh" đã được sử dụng nhằm che giấu “cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất ở Ucraina” và đổ lỗi cho Nga về sự căng thẳng đang gia tăng ở Ucraina.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Sự bất đồng lớn về quan điểm của các thành viên LHQ, một số lượng lớn các thành viên không có mặt tại cuộc bỏ phiếu là bằng chứng hùng hồn rằng sự giải thích một chiều các sự kiện ở Ucraina đã không được chấp nhận”.
Miêu tả bản nghị quyết là “phản tác dụng”, Nga lưu ý rằng văn bản này sẽ làm phức tạp thêm quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước của Ucraina. Nga kêu gọi các quốc gia “độc lập và tư duy mang tính xây dựng” để tạo thuận lợi cho sự ổn định tình hình ở Ucraina.
Theo quan điểm của Nga, một sự thay đổi chế độ vi hiến ở Kiev, sự sụp đổ của hệ thống nhà nước, sự bất lực của các cơ quan hành pháp, những kẻ cực đoan, sự vi phạm quyền con người ở quy mô lớn và cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc chính là kết quả của sự can thiệp của phương Tây vào công việc của Ucraina.
Ngày 27-3, Đại hội đồng LHQ đã thông qua bản nghị quyết do Ucraina đệ trình kêu gọi không công nhận việc thay đổi quy chế của Crưm với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Nga đã cáo buộc rằng một số thành viên của LHQ đã bị gây sức ép, bị đe dọa về chính trị và kinh tế để bỏ phiếu ủng hộ bản nghị quyết.
Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm và nói rằng cuộc trưng cầu dân ý này đã “thực hiện vai trò lịch sử của nó” và bởi vậy “việc tranh cãi là vô dụng”.