Vụ máy bay Malaysia mất tích: Mở rộng tìm kiếm tại Ấn Độ Dương

15:01, 14/03/2014

Ngày 14/3, tờ The Star online cho biết: Tàu USS Kidd (DDG-100) của Mỹ đang hướng về khu vực tình nghi rơi chiếc máy bay của hãng Hàng không quốc gia Malaysia tại Ấn Độ Dương.  

Đây là một trong tổng số 62 tàu khu trục tên lửa hành trình thuộc lớp Arleigh Burke – được chế tạo để phục vụ trong các chiến dịch chống tàu ngầm, phòng không và phòng thủ trên bộ. Chiến dịch tìm kiếm tại Ấn Độ Dương – một vùng biển có độ sâu thứ 3 trên thế giới với mức trung bình 12.800 feet (khoảng 3,9 km), hiện đang được xem là một thử thách lớn trong công tác tìm kiếm MH370.

 

Thông tin Mỹ phát động một cuộc tìm kiếm mới ở vùng biển Ấn Độ Dương được đưa ra trong bối cảnh, rạng sáng ngày 14/3, tờ báo Malaysia dẫn lời một quan chức Lầu Năm góc cho biết, Mỹ đang “mở ra một hướng mới” trong công tác điều tra chiếc Boeing 777-200 số hiệu MH370. Tuy nhiên, quan chức này cho biết ông không biết thông tin gì về việc tàu khu trục tên lửa USS Kidd của Mỹ đang được điều tới Ấn Độ Dương để triển khai chiến dịch tìm kiếm. Quan chức này khẳng định, những gì ông được biết cho tới nay chỉ là việc Thư ký báo chí Nhà trắng vừa tuyên bố về khả năng Mỹ sẽ mở một cuộc tìm kiếm mở rộng hàng trăm km, hướng về phía Tây Ấn Độ Dương.

 

Tờ ABC News cũng vừa dẫn một bản báo cáo cho rằng, các quan chức Mỹ đã có trong tay “những dấu hiệu” cho thấy chiếc máy bay của Hãng hàng không quốc gia Malaysia bị mất tích có thể đã rơi xuống Ấn Độ Dương và hiện Mỹ đã cử tàu USS Kidd tới khu vực này để bắt đầu tìm kiếm trong vòng 24 giờ tới.

 

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà trắng Jay Carney tuyên bố, phía Mỹ đã có trong tay “thông tin mới” về vị trí của chiếc máy bay mất tích. “Theo ý hiểu của tôi, dựa trên những thông tin mới – không nhất thiết phải mang tính chất kết luận – song là thông tin mới – thì một cuộc điều tra bổ sung có thể sẽ được phát động tại Ấn Độ Dương…Chúng tôi hiện đang tham vấn với các đối tác quốc tế về những biện pháp triển khai phù hợp”, ông Carney nói.

 

Tuy nhiên, trái ngược với những tuyên bố của ông Carney, tờ The Malaysia Insider, ngày 14/3, dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm góc, Trung tá Jeffrey Pool quả quyết rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện không có lý do gì để tin rằng chiếc máy bay đã rơi xuống Ấn Độ Dương. Ông Pool cho biết, hiện lực lượng Hải quân Mỹ đang tham gia chiến dịch tìm kiếm dựa trên cơ sở các thông tin điều tra của chính phủ Malaysia và ông không hiểu những “thông tin mới” mà ông Carney ám chỉ đến nghĩa là gì.

 

Trong một tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein, ngày 13/3 đã bác bỏ một loạt các thông tin đồn đoán về số phận của chuyến bay MH370. Ông Hussein nêu rõ, các lực lượng tham gia tìm kiếm đã điều tra kỹ từng manh mối, tất cả mọi khả nghi song vẫn chưa thu được kết quả nào tích cực. “Không có những mảnh vụn của máy bay, chúng tôi cảm thấy rằng công việc của mình đang không mang lại tiến triển”, ông Hussein nói.

 

Về phía Bộ Quốc phòng Ấn Độ, ngày 13/3 cho biết, hải quân nước này đã phát động một chiến dịch tìm kiếm riêng, huy động tàu đổ bộ INS Kumbhir và tàu tuần tra INS Saryu tới gần vùng biển Andaman và Eo biển Malacca. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng chỉ định nhà chức trách tham gia chiến dịch cứu hộ phối hợp với phía Malaysia.

 

Như vậy cho tới nay, sau 7 ngày tìm kiếm, công tác tìm kiếm chuyến bay MH370 vẫn chưa mang lại kết quả khả quan nào. Tất cả chỉ dừng lại ở những thông tin mang tính chất dự báo, phỏng đoán hay thậm chí là trái chiều và gây tranh cãi. Tuy nhiên, mọi nỗ lực vẫn được tiếp tục và mọi cơ hội dù mong manh vẫn được các bên nắm bắt với quyết tâm sẽ theo đuổi tới cùng để giải mã được vụ mất tích “bí ẩn chưa từng có tiền lệ trong ngành hàng không dân sự”./.