WHO: Ô nhiễm không khí giết hại 7 triệu người năm 2012

08:34, 27/03/2014

Ngày 25-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm không khí từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch hay khí thải trên toàn cầu đang trở thành vấn đề y tế môi trường tồi tệ nhất và đã góp phần gây ra cái chết của bảy triệu người trên khắp thế giới trong năm 2012.

Bà Maria Neira, Giám đốc y tế môi trường và công cộng của WHO cho biết: “Ô nhiễm không khí, cả trong nhà và ngoài trời, hiện là vấn đề y tế môi trường lớn nhất, và nó có tác động tới tất cả mọi người ở cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển”.

 

Một nghiên cứu gần đây do WHO thực hiện đã cho thấy, cứ tám người chết trong năm 2012 thì có một người chết có liên quan tới nạn ô nhiễm không khí. Căn bệnh tồi tệ nhất có liên quan tới ô nhiễm không khí có thể kể đến các bệnh về tim, đột quỵ, các bệnh về phổi và ung thư phổi. Các chuyên gia cũng chỉ ra các hậu quả lâu dài mà ô nhiễm không khí gây ra như trẻ bị dị tật bẩm sinh hay thiểu năng do chất lượng không khí tồi tệ tác động tới trẻ em và trẻ sơ sinh.

 

Tổng cộng trên toàn cầu, đã có 4,3 triệu ca tử vong có liên quan tới ô nhiễm không khí trong nhà, chủ yếu là do nấu nướng bằng than, củi hay bếp lò. Còn ô nhiễm ngoài trời gây tác động tới sức khỏe của khoảng 3,7 triệu người, với các nguồn có thể kể đến như sưởi ấm bằng than hay các động cơ diesel.

 

WHO cũng nói rằng rất nhiều người bị ảnh hưởng tới cả hai nguồn ô nhiễm và do vậy, khi trừ đi con số chồng lấn, tổng số các ca tử vong có liên quan tới ô nhiễm không khí thực tế chỉ vào khoảng bảy triệu người.

 

Theo đánh giá của WHO, khu vực chịu tác động nặng nề nhất của nạn ô nhiễm không khí là Đông - Nam Á, trong đó có Ấn Độ và Indonesia, và tây Thái Bình Dương, từ Trung Quốc tới Philippines. Tổng cộng, tại hai khu vực này mỗi năm có khoảng 5,1 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

 

Còn số người chết do ô nhiễm không khí tại châu Phi là 680.000, trong khi con số này ở Trung Đông là 400.000 người. Theo bà Neira, những con số này “gây sốc và rất đáng lo ngại”.

 

Theo ước tính gần đây nhất của WHO vào năm 2008, khi đó số người chết do ô nhiễm ngoài trời chỉ vào khoảng 1,3 triệu, còn số người chết do ô nhiễm trong nhà là 1,9 triệu người. Tuy nhiên, bà Neira cho rằng rất khó để so sánh các ước tính của năm 2008 và năm 2012 bởi trước đây WHO không tính toán đến số chồng lấn và chỉ đánh gia mức độ ô nhiễm ở các đô thị.

 

Ngoài tác động tới các cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực của nạn ô nhiễm không khí tới nền kinh tế cũng là rất lớn. Một bản báo cáo chung của Ngân hàng Thế giới và Trung Quốc phối hợp phát hành hôm 25-3 cho thấy các căn bệnh và cái chết có liên quan tới ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho nước này khoảng 300 tỷ USD mỗi năm. Với việc coi ô nhiễm là một vấn đề chính trị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết sẽ “tuyên chiến” với vấn đề này.

 

Bà Neira đánh giá: “Nguy cơ từ ô nhiễm không khí đang lớn hơn nhiều so với những suy nghĩ hay hiểu biết của chúng ta trước đây, đặc biệt là đối với các bệnh về tim và đột quỵ. Hiện chỉ có rất ít những vấn đề toàn cầu khác có nguy cơ lớn hơn tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người. Những chứng cứ này báo hiệu nhu cầu về hành động phối hợp làm sạch nguồn không khí chúng ta đang hít thở”.

 

Dự kiến, đến cuối năm nay WHO sẽ công bố bảng xếp hạng 1.600 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.