Cần xem xét hiệu ứng tiềm tàng của biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp

10:54, 29/04/2014

Phát biểu tại Diễn đàn lần thứ 7 về nông nghiệp tại Maroc ngày 23/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) José Graziano da Silva tuyên bố nhấn mạnh, các quốc gia cần phải tự định hướng tới những hệ thống lương thực bền vững hơn, thông qua việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu và thích ứng với các hiệu ứng của hiện tượng biến đổi khí hậu.

"Biến đổi khí hậu có khả năng cấu hình lại kịch bản sản xuất lương thực trên thế giới", Tổng Giám đốc FAO cảnh báo, đồng thời cho biết sau nhiều thập kỷ, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ có thể đưa đến một bối cảnh bấp bênh, trong đó nạn đói tiếp tục là hậu quả của việc thiếu tiếp cận với các phương tiện sản xuất hoặc phải thu mua thức ăn do thiếu nguồn cung cấp thực phẩm trên toàn thế giới.

 

Đặc biệt trong bối cảnh đó, theo nhà lãnh đạo cấp cao của FAO, những người "dễ bị tổn thương nhất chính là những người nghèo". "Họ không chỉ có ít nguồn lực để ứng phó mà họ cũng có xu hướng sống trong những khu vực mà sản xuất đã ở mức cận biên", nơi các tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ hơn hết.

 

Chuyên gia của FAO cũng một lần nữa nhấn mạnh về những kết luận gần đây của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trong đó phản ánh những mối quan ngại về hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu và những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của nó đối với cuộc sống nhân loại, đồng thời kêu gọi hành động khẩn cấp.

 

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc FAO cũng lưu ý nông nghiệp gia đình cũng được xem là một công cụ để phát triển nông thôn và ổn định, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2014 là Năm quốc tế về nông nghiệp gia đình.

 

Trong bài phát biểu của mình, ông Graziano da Silva cho biết, biến đổi khí hậu sẽ là một thách thức đối với cả các trang trại gia đình lớn hiện đại hóa cũng như đối với những hộ nông dân nhỏ.

 

Theo ông Graziano da Silva, biến đổi khí hậu là một vấn đề có ảnh hưởng đến một loạt các ưu tiên phát triển, bao gồm cả việc loại bỏ nạn đói, hỗ trợ sản xuất bền vững, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, cải thiện các thị trường thực phẩm và tăng cường khả năng phục hồi.

 

Tổng Giám đốc của FAO cho biết: Khoảng 500 triệu trang trại gia đình hiện chiếm 80% các cơ sở sản xuất trên thế giới. Những gia đình nông dân chiếm 70% trong số tất cả các hộ gia đình phải hứng chịu tình trạng bất ổn lương thực trong các khu vực nông thôn của các nước đang phát triển.

 

"Thông qua việc tiến hành hỗ trợ đầy đủ cho nông nghiệp gia đình, chúng ta có thể chống lại tình trạng bất ổn lương thực, hỗ trợ những người dễ bị tổn thương và tăng nguồn cung cấp thực phẩm cho những nơi cần thiết nhất", ông Graziano da Silva nhấn mạnh./.