Những thách thức đối với tân tổng thống Afghanistan

08:40, 30/09/2014

Ngày 29/9, Tổng thống mới của Afghanistan Ashraf Ghani đã chính thức nhậm chức, thay thế người tiền nhiệm Hamid Kazai lãnh đạo một quốc gia vốn thường xuyên chìm trong bạo lực và bất ổn. Những thách thức đặt ra đối với con đường chính trị của đương kim Tổng thống này có lẽ cũng không mấy dễ dàng.

Ông Ghani, cựu Bộ trưởng Tài chính đã được Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan công bố là Tổng thống mới, sau khi ông ký kết một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với ông Abdullah Abdullah, cựu Ngoại trưởng, ứng cử viên Tổng thống đã bác bỏ kết quả cuộc bầu cử vòng hai với số phiếu nghiêng về ông Ghani.

 

Tại lễ nhậm chức diễn ra vào hôm nay (29/9), ông Abdullah sẽ được chỉ định làm “người điều hành cấp cao”, một vị trí mới được thành lập, tương đương Thủ tướng, chức vụ vốn chưa từng tồn tại trong các thể chế của Afghanistan. Theo thỏa thuận, Tổng thống đứng đầu nội các, song “người điều hành cấp cao” sẽ quản lý việc thực hiện các chính sách của chính phủ của nội các, chủ trì các cuộc họp thường xuyên của hội đồng các Bộ trưởng.

 

Trước đó, những cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử ngày 14/6 đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị, khi cả hai ứng viên đều tuyên bố chiến thắng, khiến Afghanistan rơi vào tình trạng tê liệt, vào đúng thời điểm quan trọng khi các binh sỹ quốc tế do Mỹ lãnh đạo đang rút dần khỏi cuộc chiến chống lại Taliban.

 

Lễ nhậm chức hôm nay diễn ra tại phủ Tổng thống ở thủ đô Kabul, khi các biện pháp an ninh vốn đã rất nghiêm ngặt lại tiếp tục được tăng cường. Tuy nhiên, dường như những biện pháp tưởng chừng đã đủ mạnh này vẫn chưa thể ngăn cản được một kẻ khủng bố đã cho kích nổ chiếc xe ô tô chở bom ngay cạnh sở cảnh sát ở Zarmat. Vụ nổ đã làm rất nhiều người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương nặng. Một ngày trước, một vụ tấn công bằng bom nhằm vào khu phố được bảo vệ của các đại sứ quán cũng đã khiến một người bị thương.

 

Không những thế, trong bối cảnh các lực lượng nước ngoài được triển khai từ cuối năm 2001 tại Afghanistan đang dần đi tới thời điểm rút quân vào cuối năm nay thì những căng thẳng, bất ổn vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại. Từ đầu tuần trước, các lực lượng nổi dậy Taliban tiếp tục triển khai đợt tấn công quy mô lớn tại tỉnh Ghazni, phía Tây Nam thủ đô Kabul, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Hơn 700 chiến binh Taliban đã tham gia vào cuộc tấn công nhằm vào một trong những con đường chính nối thủ đô Kabul với các tỉnh phía Nam của Afghanistan.

 

Thêm vào đó, người kế nhiệm ông Hamid Karzai cũng sẽ phải đối mặt với một thách thức tài chính khi cuối tuần qua, Kho bạc Afghanistan thừa nhận đang trống rỗng và việc trả lương tháng 10 cho hàng trăm nghìn công chức nước này sẽ bị hoãn lại, có thể trong một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, hy vọng rằng, những kinh nghiệm khi còn làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) và những năm tháng giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính sẽ giúp ông Ashraf Ghani giải được bài toán tài chính vốn không mấy dễ dàng này.

 

“Với một chính phủ đoàn kết dân tộc, không phải chia sẻ quyền lực, mà cùng nhau làm việc” – tân Tổng thống Afghanistan đã nhấn mạnh  như vậy trong bài phát biểu, đồng thời kêu gọi Taliban và các phong trào Hồi giáo cực đoan khác, các nhóm vũ trang tham gia đàm phán hòa bình.

 

Mặc dù vậy, những bước đi đầu tiên trong việc chia sẻ quyền lực theo như thỏa thuận được đàm phán giữa ông Ghani và Abdullah vẫn khá mong manh. Thực tế là hai nhà lãnh đạo này đại diện cho hai nhóm dân tộc khác nhau. Ông Ghani thuộc dân tộc Pashtun, chiếm phần lớn; trong khi ông Abdullah, cựu cố vấn cho Ahmad Shah Massoud, lại được hỗ trợ từ người Tajik. Nếu kết nối hợp tác thành công có thể làm giảm sự phân chia sắc tộc và chính trị vốn đang chia rẽ xã hội Afghanistan, song điều này có vẻ không mấy dễ dàng.

 

Không thể phủ nhận rằng, chính phủ mới của ông Ashaf Ghani sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian cầm quyền. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trước tiên là khởi động lại vòng đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban và chấm dứt cuộc xung đột khiến số người chết ngày một tăng cao ở quốc gia Trung Đông này. Kèm theo đó, nhiệm vụ phát triển nền kinh tế nghèo nàn trước khi các nguồn viện trợ quốc tế kết thúc cũng là một thách thức không hề nhỏ đối với ông Ashaf Ghani.

 

Tuy nhiên, việc Afghanistan có Tổng thống mới đã, đang và sẽ mở ra hi vọng chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài từ lâu cũng như kết thúc việc đất nước bị chia rẽ. Như tuyên bố được đưa ra ngày 26/9 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đây là “lần chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên trong lịch sử của Afghanistan” và hai nhà lãnh đạo Ghani và Abdullah cần “thúc đẩy các lợi ích quốc gia trước tiên và xây dựng một chính phủ đoàn kết dân tộc sau cuộc bầu cử gây tranh cãi”./.