Bộ trưởng Y tế Canada Bà Rona Ambrose cho biết các ca thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người đối với vaccine Ebola do Canada chế tạo có tên VSV-EBOV đã được triển khai vào ngày 13/10 tại Maryland, Mỹ để đánh giá độ an toàn của loại vaccine này và xác định liều lượng phù hợp để chống lại virus đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng, phần lớn ở các nước Tây Phi.
"Chúng tôi có thể chia sẻ một số thông tin đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lại virus Ebola này,” bà Ambrose nói khi đưa ra công bố trên tại một cuộc họp báo với sự tham dự của bác sỹ Gregory Taylor, quan chức y tế hàng đầu của Toronto, Canada.
Loại vaccine được các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia thuộc Cơ quan Y tế Canada tại Winnipeg chế tạo, sẽ được thử nghiệm trên 20 người tình nguyện có sức khỏe tốt thuộc Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed tại Silver Spring, bang Maryland, Mỹ.
Các nghiên cứu tiến hành trên các loài động vật linh trưởng cho thấy vaccine này có khả năng chống lây nhiễm nếu như được tiêm trước khi bị phơi nhiễm và tăng khả năng sống sót đối với những người được tiêm ngay sau khi bị phơi nhiễm.
Kết quả của giai đoạn 1 thử nghiệm trên người sẽ hoàn tất vào tháng 12, bà Ambrose cho biết.
Theo Bộ trưởng Ambrose, loại vaccine này đã chứng tỏ có “hiệu quả 100%” trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola khi được thử nghiệm trên động vật. “Điều này mang lại nhiều hy vọng vì nếu vaccine của Canada chứng tỏ sự an toàn và hiệu quả trên người thì nó sẽ ngăn chặn được nạn dịch ghê gớm này.”
Chính phủ Canada giữ bản quyền sáng chế đối với loại vaccine này nhưng cấp phép cho một công ty công nghệ sinh học của Mỹ là Newlink Genetics để công ty này sản xuất thông qua một công ty con của mình là BioProtection Systems.
Cơ quan Giảm thiểu Hiểm họa Quốc phòng Mỹ, trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đang hợp tác với BioProtection Systems trong quá trình phát triển thêm loại sản phẩm này để sử dụng trên người.
Canada đã cung cấp 20 lọ vaccine thử nghiệm để sử dụng trong lần thử nghiệm này.
Cơ quan Y tế Canada cũng cho biết các đợt thử nghiệm lâm sàng khác của Giai đoạn 1 đang được nghiên cứu để triển khai ở Canada, châu Âu và châu Phi.
Trong buổi họp báo, bác sỹ Taylor cho biết thêm, nếu như kết quả thử nghiệm thành công thì giai đoạn tiếp theo sẽ là thử nghiệm trên mẫu lớn hơn ở người, trong đó sẽ có thử nghiệm ở những người đang trực tiếp xử lý các ca bệnh Ebola ở Tây Phi.
Tháng 8 vừa qua, Canada đã công bố cho biết sẽ quyên góp 1.000 liều vaccine này cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đóng góp cho nỗ lực chung quốc tế chống lại loại virus này.
Số liệu của WHO công bố tuần trước cho thấy dịch Ebola đã làm thiệt mạng hơn 4.000 người, chủ yếu vẫn ở các nước vùng Tây Phi là Liberia, Siera Leone và Guinea./.