Dịch Ebola gây ra khủng hoảng nghiêm trọng

14:18, 12/10/2014

Với những diễn biến phức tạp, dịch Ebola tiếp tục là tâm điểm chú ý của thế giới trong tuần qua (5 – 12/10). Bên cạnh đó, cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine,… cũng là những điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Cần tăng các nguồn lực lên 20 lần để đối phó với dịch Ebola

 

* Ngày 7/10, Ủy ban phụ trách các vấn đề hành chính và ngân sách của Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết phân bổ khoản ngân sách 49,9 triệu USD cho Phái bộ ứng phó khẩn cấp với dịch Ebola của Liên hợp quốc (UNMEER) mới được thành lập và Văn phòng đặc phái viên về Ebola. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng cho rằng, cần nhanh chóng thực hiện tất cả các hành động cần thiết để cuộc khủng hoảng y tế do dịch bệnh Ebola gây ra không trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội khu vực Tây Phi.

 

*Ngày 8/10, bệnh nhân đầu tiên bị phát hiện nhiễm virút Ebola ở Mỹ, Thomas Eric Duncan đã tử vong. Bệnh nhân này là một người Liberia tới bang Texas ngày 20/9 để thăm thân nhân. Trước khi nhập viện, bệnh nhân này đã tiếp xúc trực tiếp với khoảng 12 – 18 người. Sau đó, những người này lại tiếp xúc với rất nhiều người khác. Giới chức Mỹ vẫn đang theo dõi sát sao khoảng 100 người có thể đã bị phơi nhiễm Ebola. Bốn người thân của bệnh nhân đã được lệnh cách ly tại nhà cho đến ngày 19/10.

 

* Ngày 8/10, Anh đã quyết định cử 750 binh lính, một tàu y tế và 3 máy bay trực thăng Merlin tới Sierra Leone tham gia công tác ngăn chặn dịch Ebola lây lan. Trước đó, ngày 7/10, tại cuộc họp với Ủy ban phản ứng nhanh Cobra, Thủ tướng Anh David Cameron đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Anh tăng cường kiểm soát các tàu bè qua lại vùng biển của nước này, đặc biệt là các tàu đã từng đi qua vùng có dịch.

 

* Ngày 9/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một lần nữa lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực trong cuộc chiến chống lại dịch Ebola tại Tây Phi, đồng thời khẳng định rằng, căn bệnh nguy hiểm này hoàn toàn có thể được khống chế. Ông cho biết, cần phải nhân lên gấp 20 lần các nguồn lực để đối phó với dịch Ebola.

 

* Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 9/10 cho biết, tổng số trường hợp nhiễm Ebola hiện là 8.033 và số người tử vong là 3.879. Ngoài Guinea, Liberia và Sierra Leone, các nước bị ảnh hưởng khác là: Nigeria, Senegal và Mỹ. WHO nhấn mạnh rằng, tình hình ở Guinea, Liberia và Sierra Leone tiếp tục xấu đi. Cơ quan này cho rằng, sự sụt giảm về số lượng các trường hợp nhiễm mới ở Liberia trong 3 tuần qua có thể không phải là thực tế, mà ngược lại, phản ánh một sự suy giảm trong khả năng thu thập dữ liệu chính xác.

 

* Ngày 10/10, Liên hợp quốc cảnh báo rằng virus Ebola đang lây lan và trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tăng cường nỗ lực và cam kết tài chính để chống lại đại dịch này. Ông Anthony Banbury – người đứng đầu Phái bộ LHQ phản ứng khẩn cấp với dịch Ebola (UNMEER), cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch bệnh này gây ra là “nghiêm trọng chưa từng có” và “thế giới chưa từng chứng kiến sự việc nào như thế".

 

* Ngày 10/10, một người đàn ông Anh đã tử vong tại thủ đô Skopje của Macedonia sau khi xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola mặc dù người này chưa từng đến châu Phi. Bệnh nhân này có tất cả các triệu chứng của dịch Ebola, hiện các bác sĩ đang tiến hành các thủ tục xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này và nếu đúng, đây sẽ là nạn nhân Anh đầu tiên của dịch Ebola vốn đã cướp đi sinh mạng hàng nghìn người ở Tây Phi và đang bắt đầu lan tới Bắc Mỹ và châu Âu.

 

*Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Liberia đã cách ly 41 nhân viên, trong đó có 20 quân nhân, sau khi một nhân viên quốc tế thuộc đội y tế bị chẩn đoán nhiễm virus Ebola. Đây cũng là nhân viên thứ 2 của phái bộ có kết quả dương tính với căn bệnh chết người trên.

 

Cuộc chiến chống IS cần nhiều thời gian

 

* Người phát ngôn Lầu Năm góc, Trung tá Elissa Smith, ngày 7/10 thừa nhận, cho dù chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria đang phát huy hiệu quả, song chỉ riêng biện pháp này sẽ không giúp thực hiện được các mục tiêu nhằm làm suy yếu và tiêu diệt IS. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh, ngày 7/10, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đưa ra dự báo về nguy cơ cuộc chiến chống IS sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 30 năm.

 

*Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/10 đưa tin đã có ít nhất 12 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc biểu tình ủng hộ người Kurd trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc chính phủ chưa có hành động quân sự nhằm vào nhóm IS tự xưng. Thời gian gần đây, tổ chức IS tự xưng đã tiến đến khu vực Tây Nam Kobane, làm gia tăng sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc can thiệp vào các vụ tấn công của IS tại Kobane. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, các cuộc tấn công kéo dài 3 tuần qua tại khu vực này đã cướp đi sinh mạng của 400 người.

 

*Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) ngày 7/10 cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc về an toàn của dân thường bị kẹt trong chiến dịch phản công của lực lượng khủng bố IS tự xưng tại Kobane. OHCHR cũng bày tỏ những quan ngại tương tự khi cho rằng việc IS gia tăng các hoạt động bắn phá bừa bãi tại Kobane đã khiến ít nhất 10.000 dân thường phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn trong hai ngày qua.

 

*Ngày 8/10, tình hình tại Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ rất căng thẳng sau nhiều cuộc biểu tình của người Kurd phản đối chính quyền Ankara chưa có hành động chống lại nhóm IS tại thị trấn Kobane gần biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Biểu tình đã biến thành bạo động, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng, 368 người bị cảnh sát bắt giữ.

 

*Theo báo cáo của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 9/10 cho biết: Các tay súng thuộc lực lượng IS tự xưng đang nắm quyền kiểm soát 1/3 thành phố chiến lược Kobane thuộc biên giới Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tình hình tại Kobane đang rất nghiêm trọng và người dân tại thành phố này đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực, điện, nước sinh hoạt.

 

* Ngày 10/10, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại IS. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton khẳng định lại cam kết của EU đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS cũng như đoàn kết với tất cả những người phải chịu đau thương do các hành động của IS gây ra. Bà kêu gọi EU, Thổ Nhĩ Kỳ, các đối tác khu vực và quốc tế hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cô lập và loại bỏ mối đe dọa từ IS.

 

*Ngày 10/10, các tay súng IS đã hành quyết một nhà báo người Iraq và 12 người khác tại một số thị trấn và làng mạc ở phía Bắc thủ đô Baghdad. Nhà báo bị hành quyết là Raad al-Azzawi, 37 tuổi, làm việc cho kênh tin tức Sama Salaheddin của tỉnh Salaheddin ở miền Trung Iraq. Theo thông báo của Tổ chức nhà báo không biên giới (RSF) hồi tháng 9 vừa qua, lực lượng IS đã dọa hành quyết Azzawi vì anh từ chối làm việc cho chúng.

 

Tình hình miền đông Ukraine vẫn căng thẳng

 

*Ngày 8/10, Liên hợp quốc cho biết, đã có ít nhất 331 người thiệt mạng tại miền Đông Ukraine kể từ ngày 5/9, khi bản thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực này phát huy hiệu lực. Bên cạnh đó, các cuộc giao tranh kéo dài 6 tháng qua đã khiến ít nhất 3.660 người thiệt mạng. Tình hình bất ổn kéo dài trong nhiều tháng qua tại miền Đông Ukraine cũng đã khiến ít nhất 5 triệu người tại khu vực này không được tiếp cận với các quyền cơ bản.

 

*Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (NSDC) tuyên bố áp dụng "chế độ ngừng bắn" tại vùng Donbass ở miền Đông nước này kể từ 18 giờ (giờ địa phương, tức 22 giờ Hà Nội) ngày 7/10. Theo đó, chiến dịch "chống khủng bố" của quân đội Ukraine tạm ngừng theo các thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được giữa các bên liên quan. Tuyên bố mới về ngừng bắn của chính quyền Ukraine diễn ra giữa lúc miền Đông Ukraine vẫn không ngớt tiếng súng và đạn pháo nổ.

 

*Đêm 9/10, có 3 người đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong cuộc giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát sân bay Donesk giữa quân đội Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập. Văn phòng Thị trưởng Donesk cho biết cuộc xung đột kéo dài 10 giờ, trong khi người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết binh sĩ chính phủ vẫn kiểm soát sân bay.

 

* Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 10/10 đã cách chức ông Sergiy Taruta, tỉnh trưởng Donetsk ở miền Đông nước này và bổ nhiệm một cựu chỉ huy binh sĩ Bộ Nội vụ thay thế. Người phát ngôn của Tổng thống Poroshenko nêu rõ cựu chỉ huy binh sĩ Bộ Nội vụ Oleksandr Kykhtenko sẽ đảm nhiệm chức vụ tỉnh trưởng thay thế ông Taruta.

 

Một số sự kiện đáng chú ý khác

 

*Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) vừa ra thông báo cho biết: Các tàu tuần tra của Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 7/10 đã đấu súng gần khu vực ranh giới đang tranh chấp trên biển Hoàng Hải sau khi một tàu Triều Tiên xâm phạm Đường ranh giới phía Bắc (NLL). Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang có dấu hiệu được hâm nóng trở lại trước hi vọng về việc thúc đẩy mối quan hệ liên Triều sau chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc cách đây vài ngày và được dư luận thế giới hoan nghênh. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 11/10 cho biết Bình Nhưỡng đã hủy cuộc đàm phán cấp cao với Seoul sau khi một tổ chức dân sự Hàn Quốc thả truyền đơn chống Triều Tiên trước đó một ngày.

 

*Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta ngày 8/10 đã trở thành người đứng đầu nhà nước đầu tiên phải ra trước Tòa án hình sự quốc tế, đối mặt với những cáo buộc ông vì tội ác chống lại loài người. Ông bị cáo buộc phạm 5 tội danh chống lại loài người liên quan các vụ bạo động xảy ra sau cuộc tổng tuyển cử năm 2007, khiến ít nhất 1.100 người thiệt mạng và 600.000 người phải di cư.

 

*Ngày 8/10, chính phủ mới của Thủ tướng New Zealand John Key đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Chính phủ ở Thủ đô Wellington. Đây là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông John Key trên cương vị thủ tướng. Tân Chính phủ New Zealand, gồm 19 thành viên nội các và 7 bộ trưởng ngoài nội các.

 

*Ngày 9/10, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã diễn ra tại thủ đô Minsk, Belarus. Các đại biểu đã nhất trí thông qua dự thảo Lời kêu gọi của nguyên thủ các nước SNG gửi người dân SNG và cộng đồng quốc tế nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phátxít (9/5/2015). Trong đó, văn kiện kêu gọi ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa phátxít, phản đối mọi hành vi xuyên tạc, bóp méo lịch sử cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1941-1945).

 

*Ngày 9/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới thủ đô Berlin, bắt đầu chuyến thăm chính thức Đức 3 ngày. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc tới châu Âu, với 2 điểm đến tiếp theo là Nga và Italy. Hai bên dự kiến ký kết khoảng 30 thỏa thuận hợp tác, đầu tư trị giá trên 2 tỷ Euro trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.

 

*Báo cáo công bố ngày 9/10 của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho thấy giá lương thực thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 15 năm qua, chủ yếu nhờ những vụ mùa bội thu và lượng dự trữ thực phẩm lớn. Sản lượng lúa mì thế giới năm nay được dự báo sẽ lập kỷ lục mới. Và mặc dù sản lượng gạo có thể giảm nhẹ trong năm nay thì lượng dự trữ lớn vẫn đủ đáp ứng cho 30% nhu cầu tiêu thụ được dự đoán trong hai năm tiếp theo.

 

* Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 9/10 đã tới thủ đô Nay Pyi Taw, bắt đầu chuyến thăm chính thức Myanmar. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Prayuth Chan-ocha kể từ khi trở thành Thủ tướng Thái Lan hồi tháng 8/2014. Chuyến thăm nhằm mục đích đẩy mạnh hợp tác song phương, tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư giữa hai nước. Hai bên đã nhất trí khôi phục dự án đặc khu kinh tế Dawei vốn đã bị trì hoãn từ lâu./.