Iraq bế tắc trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo

17:32, 16/10/2014

Trong khi giới chức Anbar, tỉnh cận kề Baghadad và đã bị chiếm đến 80%, kêu gọi chi viện binh trên bộ để chống trả Nhà nước Hồi giáo, chính phủ Iraq quyết không đồng ý, mà muốn tập trung huấn luyện quân đội để tự chiến đấu.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên tiếp mở rộng phạm vi chiếm đóng tại tỉnh Anbar, phía tây Iraq, buộc giới chức địa phương kêu gọi chính phủ yêu cầu hỗ trợ bộ binh nước ngoài.

 

Nhưng chính phủ Iraq từ chối đề nghị này, bất chấp thực tế là quân đội Iraq không cản được bước tiến của các tay súng cực đoan ở phía tây thủ đô. Thay vào đó, họ tiếp tục tiến hành cải tổ quân đội, Al Jazeera dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết. Điều này có khả năng dẫn tới kết cục không mong muốn: sự sụp đổ của nhiều thị trấn và thành phố trước sức mạnh của IS.

 

Lãnh đạo tỉnh Anbar cuối tuần trước gửi bản đề nghị viết tay tới Quốc hội Iraq, đòi hỏi bộ binh Mỹ can thiệp nhằm cứu các địa điểm quan trọng gần thủ đô Baghdad khỏi tay nhóm khủng bố.

 

'Iraq như người đuối nước'

 

IS đã tràn vào thị trấn Hit ở Anbar, bao vây hàng chục ngôi làng quanh thị trấn Haditha, nơi vẫn trong tầm kiểm soát của quân đội Iraq và nhóm chống IS thuộc bộ lạc người Sunni. Cảnh sát trưởng Anbar, Trung tướng Ahmad Sadak al-Dulaimi, cùng 4 cận vệ ngày 12/10 thiệt mạng khi chiếc xe của họ trúng bom của IS. Ông từng tham gia tích cực trong cuộc chiến với nhóm khủng bố này nhằm chiếm lại quyền điều hành khu vực miền bắc Ramadi.

 

"Không có giải pháp nào tốt hơn việc quân đội Mỹ cùng tham gia chiến đấu trên mặt đất", Al Jazeera dẫn lời một cố vấn an ninh cao cấp của Mỹ, đề nghị giấu tên. "Iraq hiện như người đuối nước, không có lựa chọn nào ngoài cách xin được giúp đỡ".

 

Mặc dù sở hữu tới 53.000 binh sĩ cùng một số căn cứ quân sự chiến lược ở Anbar, "họ vẫn không thể cản các tay súng cực đoan IS... Điều họ thật sự cần là các lính bộ binh tinh nhuệ của Mỹ", ông nói thêm.

 

Từ tháng 8, liên minh do Mỹ dẫn đầu liên tiếp tiến hành các cuộc dội bom nhằm vào IS ở Iraq, nhưng quân đội và chính quyền địa phương tỉnh Anbar cho biết động thái này đang bị giảm hiệu quả bởi những đợt đổ quân mới của các tay súng cực đoan.

 

Nằm sát thủ đô Baghdad, Anbar là tỉnh nắm giữ vị trí quan trọng. IS sẽ giành được lợi thế lớn trước quân đội Iraq nếu hoàn toàn chiếm được khu vực này. IS hiện kiểm soát khoảng 70% tỉnh Anbar, Al Jazeera dẫn lời Sabah Karhout, trưởng Hội đồng tỉnh Anbar, cho biết.

 

"Các cuộc dội bom không hiệu quả bởi số lượng quân IS đông đảo hơn những gì bạn có thể tưởng tượng", Karhout nói. Các nguồn thông tin tình báo cũng ghi nhận có hàng chục nghìn tay súng IS đang đóng tại Anbar.

 

Karhout và các quan chức tỉnh Anbar đổ lỗi cho sự thiếu hụt nhân viên an ninh, vũ khí và nguồn tiền, đồng thời cảnh báo, tỉnh này sẽ rơi vào tay IS chỉ trong vài ngày nữa.

 

"Những đợt không kích không đủ sức để cứu Anbar khỏi tay IS. Nếu thiếu sự can thiệp của quân liên minh, Anbar sẽ hoàn toàn thuộc về IS chỉ trong khoảng 10 ngày nữa", Falih al-Essawi, phó Hội đồng tỉnh Anbar nhận định. "Chính phủ Iraq nên cân nhắc yêu cầu của chúng tôi bởi IS không chỉ đe dọa Anbar mà Baghdad cũng sẽ gặp nguy hiểm trong những ngày tới".

 

Viện binh nước ngoài?

 

Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abbadi nhiều lần nhắc lại rằng sự tham gia của bộ binh nước ngoài là không cần thiết, thậm chí nhấn mạnh tại một cuộc phỏng vấn với kênh al-Hurra "bất kỳ đơn vị bộ binh nước ngoài nào đặt chân lên đất Iraq sẽ bị coi như kẻ thù".

 

Cũng trong buổi phỏng vấn, Abbadi cho biết Iraq không yêu cầu bộ binh quốc tế bởi họ có hơn một triệu nhân viên an ninh, cùng khoảng 500.000 chiến binh chống IS.

 

"Chúng tôi không cần viện binh. Điều chúng tôi cần là vũ khí và tái tổ chức lực lượng quân đội của mình", một quan chức Bộ Quốc phòng Iraq cho biết. "Chúng tôi đã bắt đầu cơ cấu lại đơn vị quân đội bị giải tán và huấn luyện những binh sĩ đào ngũ bằng cách gửi họ tới các khóa đào tạo ngắn hạn và sắp xếp lại vị trí".

 

Hàng nghìn lính đào ngũ trở lại quân đội sau khi chính quyền ban hành một lệnh ân xá hồi tháng 8 năm ngoái.

 

Abbadi tin rằng tuy việc tái thiết quân đội có thể kéo dài hàng tháng nhưng đó là lựa chọn duy nhất lúc này. Sự can thiệp từ bên ngoài sẽ chỉ gây ra chia rẽ nội bộ. Chiến binh người Shiite nhiều lần đe dọa rút khỏi chiến trường nếu chính phủ Iraq đưa bộ binh nước ngoài tới. Washington cũng khẳng định không chi viện bộ binh.

 

Chính quyền Abbadi vẫn khăng khăng cho rằng Baghdad an toàn. Trong khi đó, hơn 100 người đã thiệt mạng sau các vụ đánh bom mấy ngày qua.

 

"Ngoại vi của Baghdad có thể an toàn, nhưng vấn đề lại nằm ở các phần tử thầm lặng, có khả năng thực hiện đánh bom mọi lúc", Al Jazeera dẫn lời chuyên gia quân sự giấu tên nói. "Chúng tôi có rất nhiều những kẻ như vậy ở Baghdad. Chúng ẩn mình bên cạnh dân thường nên việc săn lùng chúng rất khó khăn".