Liên Hợp Quốc: Hàng nghìn người sẽ bị tàn sát nếu IS chiếm Kobane

09:11, 11/10/2014

Phái viên Liên hợp quốc (LHQ) ngày 10/10 cho hay hàng nghìn người có thể bị tàn sát nếu thành phố Kobane của Syria, giáp Thổ Nhĩ Kỳ, rơi vào tay phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” (IS) trong bối cảnh IS đã tiến sâu vào thành phố người Kurd này.

Phái viên LHQ Staffan de Mistura cho hay Kobane có thể chịu chung số phận với thành phố Srebrenica của Bosnia, nơi 8.000 người Hồi giáo bị người Serb sát hại vào năm 1995 trong vụ tàn sát tồi tệ nhất châu Âu kể từ Thế chiến II. Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã không bảo vệ được họ.

 

“Nếu thành phố sụp đổ, 700 người, và có thể là 12.000 người, chắc chắn sẽ bị tàn sát”, ông Mistura cho hay.

 

LHQ tin rằng 700 người già đang bị mắc kẹt trong thành phố Kobane và 12.000 người đã rời bỏ trung tâm thành phố nhưng không tìm cách vượt biên qua được Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Giao tranh ở thành phố Kobane, với chủ yếu là người Kurd sinh sống đã gây ra bạo lực trên đường phố tồi tệ nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nước có 15 triệu là người Kurd, trong nhiều năm qua. Người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc nổi dậy kể từ thứ ba vừa qua, chống lại chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan, vốn bị cáo buộc để cho người cùng sắc tộc của họ bị tàn sát.

 

Ít nhất 33 người đã thiệt mạng trong 3 ngày bạo động khắp vùng đông nam, với phần đa là người Kurd, trong đó có 2 cảnh sát bị bắn chết trong vụ có vẻ như là nhằm ám sát một cảnh sát trưởng. Bản thân viên cảnh sát trưởng bị thương.

 

Giao tranh ác liệt giữa IS và lực lượng người Kurd ở Kobane, Syria, có thể nghe thấy rõ từ bên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến đầu cơ quần thảo trên đầu và rìa tây của thành phố đã bị không kích, có vẻ là do máy bay của liên minh do Mỹ đứng đầu thực hiện.

 

Nhưng dù Mỹ tăng cường đánh bom vào các mục tiêu IS ở khu vực, nước này vẫn phải thừa nhận rằng các cuộc không kích của họ không đủ để cứu thành phố khỏi rơi vào tay IS.

 

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tony Blinken cho biết IS đã kiểm soát khoảng 40% Kobane. Còn tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria có trụ sở ở London cũng đưa ra ước tính tương tự và cho biết IS đã chiếm được khu vực hành chính trung tâm, được biết đến là trụ sở an ninhcủa thành phố.


Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối tham chiến

 

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí hỗ trợ huấn luyện và trang thiết bị cho các nhóm đối lập ôn hòa ở Syria và một nhóm hoạch định quân sự Mỹ sẽ tới Ankara vào tuần tới nhằm thảo luận thêm. Mỹ đang hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập cuộc chiến chống IS.

 

Trung Đông trong những tháng qua đã bị IS, nhóm phiến quân dòng Sunni, biến đổi. Chúng đã chiếm nhiềm vùng ở Syria, Iraq, tàn sát, chặt đầu các tù nhân, yêu cầu những người không theo đạo Hồi hoặc không phải là người Shiitte phải cải đạo nếu không sẽ chết.

 

Mỹ đang xây dựng liên minh quân sự chống IS, nỗ lực cần phải can thiệp vào cả Iraq và Syria. Cộng đồng quốc tế hiện đang tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO có đội quân hùng mạnh nhất khu vực.

 

 

Nước này đã tiếp nhận 1,2 triệu người tị nạn Syria, trong đó có 200.000 người tới từ Kobane trong vài tuần qua. Nhưng cho đến nay Tổng thống Erdogan từ chối gia nhập liên minh quân sự chống IS và cũng từ chối dùng vũ lực để bảo vệ Kobane.