Nền kinh tế toàn cầu sẽ dần dần được cải thiện trong hai năm tới. Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) vẫn đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng trì trệ, nguy cơ giảm phát tăng. Vì thế, khu vực đồng tiền chung châu Âu phải nỗ lực hơn nhiều nữa để hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đó là nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) đưa ra hôm 25/11, trước thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) công bố về dự thảo ngân sách năm tới của các nước thành viên.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, nhìn chung kinh tế toàn cầu trong hai năm tới sẽ tăng trưởng dương và có thể đạt được mức mục tiêu 3,9% vào cuối năm 2016.
Bà Catherine Mann, Chủ tịch OECD cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng ở mức 3,1%, thấp hơn mức trung bình 4% trong giai đoạn từ 1995 đến 2007 trước đó. Như vậy, nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang tăng trưởng ở dưới mức trung bình. Tuy nhiên, hiện chưa phải là mốc cuối của giai đoạn phát triển 10 năm. Vì thế, chúng ta sẽ phải phấn đấu để đến lúc đó sẽ đạt mức tăng trưởng ít nhất là 3,9%. Hiện OECD rất kỳ vọng vào các nền kinh tế mới nổi, bởi tốc độ tăng trưởng của họ đang rất tốt. Trong khi đó, OECD lo ngại về sự hồi phục kinh tế chậm chạp ở khu vực đồng tiền chung euro. Vì thế, OECD cần phải giúp Eurozone tăng trưởng hơn nữa để hỗ trợ cho sự tăng trưởng chung của toàn cầu".
Theo OECD, sự tăng trưởng ì ạch của nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu đang có nguy cơ đẩy khối này vào tình trạng giảm phát nghiêm trọng. OECD dự báo trong năm tới tỷ lệ lạm phát của khu vực này sẽ chỉ ở mức là 0,6% và 1% vào năm 2016.
Dự báo này bi quan hơn so với dự báo riêng của Liên minh châu Âu, thậm chí còn tiêu cực hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng trung ương châu Âu. Ngoài ra, OECD cảnh báo sẽ có sự chênh lệch lớn liên quan đến vấn đề tăng trưởng, chính sách tiền tệ giữa các nước thành viên của Eurozone, dẫn đến những biến động trong chính sách giải quyết nợ công, thâm hụt ngân sách và thị trường ngoại hối của khối../.