OPEC loay hoay với tình trạng dầu thừa, giá giảm

08:04, 28/11/2014

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 27/11 đã nhóm họp tại trụ sở ở Vienna (Áo) để quyết định một vấn đề quan trọng và được cả thế giới theo dõi: Cắt giảm hay giữ nguyên sản lượng dầu của khối trong bối cảnh nguồn cung quá dồi dào khiến giá dầu giảm mạnh thời gian qua.    

Cuộc họp ngày 27/11 được xem là cuộc họp quan trọng nhất trong những năm gần đây của OPEC. OPEC đang bị các nước thành viên nghèo như Venezuela và Ecuador gây áp lực giảm sản lượng để cứu vớt giá dầu. Giá dầu giảm trong thời gian qua đã khiến ngân sách các nước này mất một nguồn thu quý giá. Trái lại, các thành viên OPEC giàu có hơn, như các nước Vùng Vịnh, đã bác bỏ lời kêu gọi cắt giảm nguồn cung trừ khi họ có thể đảm bảo thị phần trên thương trường dầu cạnh tranh khốc liệt.

 

Trong khi nội bộ còn mâu thuẫn về hướng đi trong thời gian sắp tới, Saudi Arabia, một thành viên quan trọng của OPEC, ngày 26/11 cho biết các thành viên OPEC thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đã nhất trí không đề xuất giảm sản lượng và hi vọng các thành viên khác cũng đồng tình. Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, ông Ali al - Naimi, nói: “Tôi tin rằng OPEC có khả năng đưa ra một quan điểm rất thống nhất. Đây không phải là cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải hoảng sợ. Chúng ta đã thấy giá dầu còn thấp hơn thế này. Nguồn cung thừa là do sản xuất dầu từ đá phiến tăng. Tôi cho rằng mọi người cần phải đóng vai trò trong cân bằng thị trường, không chỉ riêng OPEC”.

 

Theo hãng tin Reuters, một số thành viên OPEC cho rằng khối này có thể không hành động gì trong cuộc họp ngày 27/11 sau khi Nga cho biết sẽ không giảm sản lượng dầu. Nếu OPEC đơn phương giảm sản lượng dầu, khối này sẽ mất thêm thị phần vào tay các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Bắc Mỹ. Còn nếu “án binh bất động”, tiếp tục với mức sản xuất hiện tại, các thành viên OPEC phải tham gia một cuộc chiến về giá dầu. Trong đó, các nước “khỏe” hơn như Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh có thể đương đầu nhờ dự trữ ngoại tệ lớn, còn các nước như Venezuela hay Iran sẽ cảm thấy khó khăn hơn nhiều.

 

Cuộc họp của OPEC diễn ra trong bối cảnh khối này phải tự mình xoay sở với giá dầu giảm sau khi không thể thuyết phục Nga phối hợp. Giá dầu đã giảm tới 30% từ tháng 6, xuống còn chưa đầy 78 USD/thùng. Nguyên nhân là do lượng dầu khai thác từ đá phiến ở Mỹ bùng nổ, tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở châu Âu và Trung Quốc. Trước đó, Nga “đánh tiếng” có thể nhất trí giảm sản lượng dầu trong bối cảnh đang thiệt hại vì dầu giảm giá và bị phương Tây trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, sau cuộc họp với các quan chức Saudi Arabia, Venezuela và Mexico, Giám đốc tập đoàn dầu quốc gia Nga Rosneft, ông Igor Sechin, bất ngờ cho biết Nga sẽ không giảm sản lượng cho dù giá dầu có xuống 60 USD/thùng. Ông Sechin hi vọng giá dầu giảm sẽ gây thiệt hại nhiều cho các nước sản xuất dầu với chi phí cao hơn, ám chỉ tới Mỹ - nước đang ồ ạt sản xuất dầu từ đá phiến.

 

Hiện nay, OPEC chiếm khoảng 1/3 sản lượng dầu toàn cầu và từ năm 1984 đã thành công 11 lần trong giảm sản lượng để tăng giá. Mức trần mà OPEC tự đặt ra hiện nay là 30 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tháng trước, OPEC đã sản xuất tới 30,6 triệu thùng/ngày. Một số nhà phân tích cho rằng OPEC trong cuộc họp 27/11 chỉ có thể nhất trí sẽ không sản xuất vượt quá mức trần.

 

Theo số liệu của OPEC, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt mức cầu hơn 1 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2015.