Thái-lan nỗ lực lập lại hòa bình ở các tỉnh miền nam

09:39, 05/11/2014

Chính quyền quân sự Thái-lan đã cam kết trong vòng một năm sẽ lập lại hòa bình tại các tỉnh khu vực miền Nam nước này. Đồng thời, một khoản ngân sách 7,8 tỷ baht (khoảng 240 triệu USD) dự kiến cũng sẽ được đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế của khu vực này.

Phát biểu trước báo giới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan nói: “Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể. Chúng tôi sẽ cố mang lại hòa bình trong vòng một năm”. Ông cũng cáo buộc các tay súng Hồi giáo tiến hành các vụ tấn công là để trả đũa các vụ bắt giữ nhiều thành viên, trong đó có cả thủ lĩnh của các nhóm trong thời gian gần đây của nhà chức trách.

 

Chính phủ Thái-lan đã thành lập một ủy ban mới chịu trách nhiệm triển khai các chính sách an ninh tại các tỉnh cực nam Thái-lan. Trong buổi họp ngày 3-11 của ủy ban này do ông Prawit chủ trì, quân đội Thái-lan đã đưa ra kế hoạch sẽ trang bị cho các đơn vị dân quân tình nguyện ở các tỉnh miền Nam 2.700 khẩu súng trường để tăng cường khả năng tự vệ.

 

Theo kế hoạch này, quân đội sẽ chuyển giao số vũ khí cho Bộ Nội vụ để phân phát cho các đơn vị dân quân. Tuy nhiên, ông Prawith cũng khẳng định các chiến dịch quân sự vẫn giữ vai trò quan trọng và các đơn vị dân quân chỉ đóng vai trò hỗ trợ các lực lượng quân đội và cảnh sát.

 

Ủy ban này cũng đã phê chuẩn một khoản ngân sách 7,8 tỷ baht (khoảng 240 triệu USD) dành cho các nỗ lực giải quyết bất ổn ở miền nam Thái-lan trong quý 1 năm tới, trong đó đặt ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế của khu vực này.

 

Từ 10 năm qua, các vụ bạo lực rải rác tại các tỉnh miền nam Thái-lan tiếp giáp với Malaysia như Pattani, Yala và Narathiwat, nơi những người Hồi giáo chiếm đa số, đã khiến hơn 5.700 người thiệt mạng. Tại khu vực này, tư tưởng ly khai đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua và đã tái bùng phát một cách bạo lực vào tháng 1-2004. Các tỉnh này từng một thời nằm trong lãnh thổ của một quốc gia Hồi giáo Malay cho đến khi nó được sáp nhập vào Thái-lan vào năm 1902.

 

Các chính phủ trước của Thái-lan đã từng nhiều lần tìm cách chấm dứt các vụ bạo lực ở khu vực này, nhưng chỉ giành được những kết quả hạn chế. Năm 2013, chính quyền của cựu Thủ tướng YingluckShinawtra đã chính thức đồng ý đàm phán với lực lượng phiến quân. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong nhiều tháng trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị khiến cho chính phủ của bà Yingluck bị lật đổ sau một cuộc đảo chính quân sự vào tháng 5 vừa qua.

 

Trong vụ xung đột mới nhất xảy ra vào ngày 31-10 vừa qua, một phụ nữ đã bị thiệt mạng và ít nhất hai người khác bị thương trong ba vụ đánh bom liên tiếp vào các nhà hàng ở tỉnh Patani. Cảnh sát nghi ngờ thủ phạm gây ra các vụ tấn công này là các tay súng Hồi giáo.