OPEC- Logic hay thêm dầu vào lửa?

16:03, 05/12/2014

Trong đời sống hiện đại, khi giá trị của dầu lửa (còn được ví là "vàng đen") ngày càng có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, thì đương nhiên, mỗi khi giá dầu lên xuống lập tức từ thị trường chứng khoán cho đến giá cả những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống đều biến động theo.  

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973, dù giá dầu đã nhiều lần lên xuống nhưng nhân loại đã không phải chịu đựng thêm một cú sốc dầu lửa tương tự nào nữa. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ vào vai trò của tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Với 11 thành viên nắm giữ tới 3/4 trữ lượng dầu mỏ và cung cấp tới 40% tổng sản lượng dầu lửa thế giới, thông qua việc tăng hay giảm sản lượng khai thác OPEC đã góp phần quan trọng điều tiết biên độ dao động giá cả ở mức "chịu đựng được" cho cả bên bán lẫn bên mua.

 

Lâu dần thành quen, năm nay cộng đồng quốc tế lại trông đợi vào quyết định của OPEC tại hội nghị thường niên (diễn ra ngày 27-11-2014, tại Vienna) sẽ giúp chặn đứng đà lao dốc của giá dầu (từ tháng 6-2014 đến nay, giá dầu đã giảm tới 35%). Chính vì thế, quyết định sẽ không cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC đã khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chiến dầu lửa sắp tới gần.

 

Trên thực tế, nếu căn cứ vào sản lượng dầu đã vượt nhu cầu của thế giới tới 2 triệu thùng/ngày, thì tuyên bố: “Chúng tôi sẽ vẫn sản xuất 30 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng tới và chúng tôi sẽ theo dõi xem thị trường phản ứng như thế nào” của Tổng thư ký OPEC Abdalla El-Badri sau khi kết thúc hội nghị, rõ ràng đã đi ngược lại quy luật cung cầu của thị trường và trở nên quá bất bình thường. Quyết định này đang đem đến những phản ứng trái chiều của cộng đồng quốc tế.

 

Với cách nhìn của "chính trị dầu lửa", một số người cho rằng, quyết định của OPEC, một lần nữa lại là âm mưu móc ngoặc giữa Mỹ và Ả rập Xê út (nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEC), nhằm nâng cao hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đang tiến hành nhằm vào nước Nga (nước xuất khẩu dầu lớn nhất ngoài OPEC). Quan điểm này có lẽ do bị ám ảnh bởi cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1986, khi đó Ả rập Xê út cũng đi đầu trong việc tăng sản lượng khai thác dẫn đến việc giá dầu sụt giảm gần bằng mức năm 1973, đồng thời cũng được cổ súy bởi mối quan hệ đối đầu hiện nay giữa Mỹ và Nga trong cuộc khủng hoảng Ucraina.

 

Những người theo quan điểm "cạnh tranh thương mại" thì cho rằng, đây là biện pháp của Ả rập Xê út nhằm lấy lại thị phần đang bị ngành dầu khí đá phiến của Mỹ xâm lấn. Sản lượng dầu đá phiến tại Bắc Mỹ hiện đạt khoảng 9 triệu thùng/ngày, và có thể đạt 9,4 triệu thùng/ngày vào năm sau 2015. Chính nhờ sự tăng trưởng vượt bậc này mà Tổng thống Obama đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô, điều này không chỉ khiến thị phần của Ả rập Xê út tại Mỹ sụt giảm mạnh (trong nửa đầu năm 2014, Ả rập Xê út đã mất tới 30% lượng dầu xuất vào Mỹ) mà còn góp phần khiến giá dầu trên thế giới giảm mạnh. Những bất đồng đang tồn tại giữa Ả Rập Xê út với chính sách Trung Đông của chính quyền Obama lại càng giúp cho cách lý giải này tăng thêm phần thuyết phục.

 

Bất luận dưới góc độ nào thì việc giá dầu sụt giảm mạnh lần này còn là hệ quả khó tránh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Từ sau năm 2008, ngoài những trung tâm kinh tế lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản, thì ngay những nền kinh tế đang lên như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ v.v. cũng không còn giữ được đà tăng trưởng như cũ. Tình hình bất ổn ở nhiều khu vực càng khiến cho bức tranh kinh tế thêm ảm đạm. Thêm nữa, nhiều nước, trước hết là những nước có nhu cầu nhập khẩu dầu lửa cao, đang đầu tư tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế nhằm tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào dầu lửa. Trong bối cảnh đó, giá dầu không giảm mới là điều lạ.

 

Vậy thì quyết định của OPEC phải được coi là hoàn toàn hợp logic.

 

Thứ nhất, giả sử OPEC sẽ lại hành động như vốn dĩ họ thường làm mỗi khi giá dầu giảm, tức là quyết định cắt giảm sản lượng khai thác, thì liệu có vực được giá dầu hay không. Đúng là hiện nay, để có thể phát triển mọi quốc gia cần có dầu lửa, nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Đơn cử như với trường hợp khu vực đồng euro, dầu lửa không phải là thứ duy nhất có thể giúp các nền kinh tế Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha v.v. thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công. Bằng chứng rõ ràng hơn cả, chính là việc EU vẫn đang duy trì chính sách trừng phạt Nga, cho dù Nga là đối tác cung cấp dầu và khí đốt lớn nhất của EU. Nói cách khác, giá dầu chỉ có thể tăng trở lại khi tăng trưởng phục hồi, mà điều này lại cần rất nhiều các điều kiện khác, như định hướng phát triển, chính sách quản lý từ vĩ mô đến vi mô v.v.

 

Thứ hai, việc giảm giá dầu rõ ràng giúp giảm bớt gánh nặng chi phí năng lượng cho phần đông doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó kích thích tăng trưởng. Điều này đặc biệt đúng đối với các nước phát triển, như bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phân tích: "Nếu giá dầu giảm 30%, nó sẽ giúp cộng thêm 0,8% vào tăng trưởng của nền kinh tế phát triển bởi tất cả họ đều nhập khẩu dầu". Theo một số chuyên gia kinh tế Mỹ dự báo, nếu giá dầu giảm như hiện nay sẽ giúp Mỹ tăng trưởng 3,5% trong năm 2015. Điều tương tự có thể xảy ra với Nhật Bản và Trung Quốc.

 

Thứ ba, với việc nhiều nước đã và đang tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế dầu lửa, như việc Mỹ đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến, OPEC không còn tự định đoạt được giá cả. Ngoài ra, những mối quan hệ phức tạp giữa các thành viên OPEC với thế giới bên ngoài càng khiến cho quyết định tăng hay giảm sản lượng khai thác trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều.

 

Mặt khác, giá dầu sụt giảm lại khiến cho phần lớn các nước xuất khẩu chịu thiệt hại, vì thế quyết định của OPEC còn được nhìn theo chiều ngược lại.

 

Quyết định đã khiến OPEC không còn giữ được sự đồng thuận vốn có. Trong số các thành viên OPEC, những nước mà ngân sách phụ thuộc nhiều vào lượng dầu xuất khẩu như Iran, Venezuela, Nigeria đã phản ứng gay gắt. Là nước ngoài OPEC, nhưng Nga cũng bị "vạ lây" bởi quyết định này. Theo công bố của chính phủ Nga, giá dầu sụt giảm đã khiến nền kinh tế Nga thiệt hại khoảng 100 tỷ USD. Có lẽ do hơn 50% ngân sách là từ nguồn dầu lửa nên trong Thông điệp Liên bang (ngày 4-12-2014), Tổng thống Putin đã phải công bố một ngân sách (cho năm tài khóa 2015) nhằm đối phó với khả năng suy thoái.

 

Điều đáng lo ngại nhất là nếu sự giảm giá dầu kéo dài, đặc biệt nếu chạm đáy 40 USD/thùng, tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị-xã hội trước hết ở những nước xuất khẩu dầu lửa. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện tại, việc giá dầu giảm chỉ khiến khả năng phục hồi tăng trưởng thêm khó khăn. Chính từ những thua thiệt này, vô hình chung quyết định của OPEC đã làm gia tăng thêm sự nghi kỵ giữa nhiều nước, khiến cho sự giảm giá dầu bị chính trị hóa ngày càng sâu sắc. Xét cho cùng, cũng khó có thể tách rời chuyện giá dầu với những mối quan hệ căng thẳng, điển hình như giữa Nga với các nước phương Tây, hay giữa các nước xuất khẩu dầu lửa trong thế giới ả rập.

 

Quyết định của OPEC ra đời chỉ 10 ngày sau tuyên bố "quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu lên thêm 2,1% trong 5 năm tới" của các nhà lãnh đạo G20 tại hội nghị thượng đỉnh Brisbane (Australia, 16-11-2014), nhất là lại bị đặt trong hoàn cảnh tình hình thế giới đang hết sức căng thẳng, thì có vẻ tính logic của nó đã không át được sự "thêm dầu vào lửa".