Đàm phán về chương trình cứu trợ của Hy Lạp rơi vào bế tắc

22:51, 17/02/2015

Cuộc đàm phán lại về chương trình cứu trợ của Hy Lạp với các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) diễn ra tối qua tại Brussels, Bỉ đã thất bại mà không đạt được tiến bộ nào.

Bế tắc xảy ra khi các chủ nợ đưa ra tối hậu thư còn bộ trưởng tài chính Hy Lạp yêu cầu Eurozone phải cắt giảm các điều kiện thắt lưng buộc bụng nếu muốn xứ sở thần thoại chấp nhận một thỏa thuận “trong danh dự”.

 

Các cuộc đối thoại giữa Hy Lạp và các chủ nợ trong khu vực Eurozone diễn ra tối qua (16-2) về kế hoạch đàm phán lại chương trình cứu trợ Hy Lạp đã rơi vào bế tắc khi hai bên không đạt được nhất trí quan trọng nào. Điều này đã gia tăng khả năng Hy Lạp có thể rời khỏi Eurozone nếu không đạt được thỏa thuận mới.

 

Cuộc đối thoại diễn ra tối qua dường như khiến cả hai phía ngày càng rời ra khi bất đồng quan điểm. Các bộ trưởng tài chính Eurozone đưa ra tối hậu thư rằng hội nghị thượng đỉnh cuối cùng về vấn đề tái cơ cấu các khoản nợ của Hy Lạp sẽ có thể tổ chức vào ngày thứ sáu tới (tức ngày 20-2). Trong khi đó, phái đoàn Hy Lạp tuyên bố rằng các cuộc đối thoại chỉ có thể được nối lại trong trường hợp Hy Lạp muốn nới lỏng các điều kiện khắc khổ của gói cứu trợ mà chính phủ cánh tả mới cầm quyền của Hy Lạp đã thề sẽ chống đối.

 

Các bộ trưởng tài chính Eurozone đã đưa ra “tối hậu thư” cho Hy Lạp rằng nước này còn thời gian đến ngày 20-2 để đồng ý việc giữ nguyên các thỏa thuận cứu trợ hiện tại dưới sự giám sát chặt chẽ của bộ ba chủ nợ gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, Hy Lạp nói rằng các điều kiện trên là không thể chấp nhận được.

 

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis tuyên bố tại cuộc đàm phán rằng Hy Lạp sẽ không chấp nhận việc kéo dài gói cứu trợ thêm 6 tháng trừ phi 18 thành viên khác của Eurozone đồng ý nới lỏng các điều kiện khắc khổ kèm theo thỏa thuận.

 

Ông Varoufakis cho biết Hy Lạp có thể đạt được một “thỏa thuận trong danh dự”, mặc dù có nhiều ý kiến chỉ trích rằng bằng cách đàm phán lại gói cứu trợ hiện tại, Hy Lạp đang chơi trò đánh bạc với tương lai của châu Âu. Ông Varoufakis cho biết: “Chúng tôi đang đạt được nửa chặng đường trong những ngày tới. Châu Âu cần phải đưa ra biện phán thông thường và một thỏa thuận hợp lý. Bằng không, các cuộc đàm phán sẽ dẫn tới bế tắc”.

 

Chính phủ liên minh cánh tả do đảng Syriza chiếm đa số vừa lên nắm quyền ở Athens cho biết mặc dù có ý kiến kiên quyết của Đức về vấn đề giải quyết gói cứu trợ, các cuộc đàm phán tới có thể đưa ra những điều kiện thuận lợi hơn đối với khoản cứu trợ hiện tại có giá trị 172 tỷ euro sẽ tới thời điểm đáo hạn vào ngày 28-2 tới.

 

Một thành viên đoàn đàm phán của Hy Lạp đánh giá thỏa thuận sơ bộ là “không thể chấp nhận được” bởi thỏa thuận này đã buộc Hy Lạp phải tiếp tục thực hiện các điều khoản “thắt lưng buộc bụng” của chương trình cứu trợ hiện tại. Chính phủ Hy Lạp đã cho biết sẽ chấm dứt chương trình khắc khổ này.

 

Ông Jeroen Dijsselbloem, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan hiện đang đứng đầu nhóm eurogroup, đánh giá rằng có nhiều ý kiến thất vọng về thất bại trong việc đạt được thỏa thuận chung tại cuộc đàm phán. Nhưng ông Jeroen Dijsselbloem cũng đánh giá rằng chính phủ Hy Lạp cần phải tiếp tục thực hiện chương trình cứu trợ hiện tại. Ông Jeroen Dijsselbloem nhận định: “Bước đi tiếp theo phụ thuộc vào chính phủ Hy Lạp. Họ cần thay đổi tư duy”. Ông Jeroen Dijsselbloem cho biết các bộ trưởng tài chính Eurozone có thể gặp gỡ vào ngày 20-2 tới, nhưng đây sẽ có thể là cơ hội cuối cùng để đạt được một thỏa thuận.

 

Các nhà phân tích cảnh báo rằng nguy cơ Hy Lạp rời Eurozone ngày càng gia tăng, và cuộc khủng hoảng sẽ có thể xảy ra nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu nhận thấy tình hình ở Hy Lạp thiếu cải thiện nên sẽ cắt khoản hỗ trợ tài chính.

 

Bà Jennifer McKeown, chuyên gia cao cấp châu Âu của công ty Capital Economics nhận xét: “Những đánh giá của cả hai phía cho thấy cả hai bên sẽ không thể đạt được ngay cả một thỏa thuận ngắn hạn trong cuộc đàm phán của các bộ trưởng tài chính, điều đó sẽ gia tăng mối nguy hiểm rằng Hy Lạp sẽ có thể rời khỏi Eurozone. Nếu ECB nhận thấy các cuộc đàm phán thất bại , ngân hàng này sẽ cắt các khoản tín dụng khẩn cấp. Điều đó sẽ dẫn tới kết quả là Hy Lạp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời Eurozone. Một vấn đề nữa là khó khăn của Hy Lạp trong việc chứng minh cho các chủ nợ và các thành viên Eurozone thấy khả năng trả nợ bền vững đối với các khoản cứu trợ nếu muốn đạt được một thỏa thuận lâu dài xử lý nợ”.