Ngày 19/2, phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Uỷ ban châu Âu ông Margaritis Schinas cho biết: “Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker đã có cuộc đàm phán căng thẳng với Chủ tịch nhóm bộ trưởng tài chính các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu, ông Dijsselbloem và Thủ tướng Hy Lạp Tsipras suốt đêm qua và hôm nay nhận định rằng, lá đơn của chính phủ Hy Lạp là một dấu hiệu tích cực. Nó có thể mở đường cho một thỏa hiệp vì lợi ích của sự ổn định tài chính trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.”
Ngày 19/2, Chính phủ Hy Lạp đã chính thức nộp đơn xin gia hạn thêm 6 tháng thỏa thuận vay nợ của nước này với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, các điều khoản để gia hạn “Thỏa thuận hỗ trợ tài chính” với Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ khác so với các nghĩa vụ của gói cứu trợ hiện đang áp dụng cho Athens.
Giới chủ nợ quốc tế trước đó đã hối thúc chính phủ mới tại Hy Lạp gia hạn gói cứu trợ hiện hành song Athens từng tuyên bố sẽ không làm như vậy mà tìm kiếm một thỏa thuận vay nợ khác.
Cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rơi vào ngõ cụt do Hy Lạp kiên quyết muốn bỏ các điều kiện do bộ ba chủ nợ áp đặt.
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras muốn có thêm thời gian để triển khai kế hoạch cải cách riêng. Trong khi đó, nhóm bộ trưởng tài chính các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ đồng ý gia hạn gói cứu trợ nếu Hy Lạp tiếp tục thực hiện chính sách khắc khổ.
Sau khi lên nắm quyền, chính phủ cánh tả tại Hy Lạp đã cam kết chấm dứt chính sách "thắt lưng buộc bụng" vì cho rằng chính sách này không giúp thúc đẩy nền kinh tế Hy Lạp, trong khi cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn./.