Vấn đề Biển Đông và Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN

08:46, 23/02/2015

Năm 2015 là năm Malaysia tiếp quản vị trí Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và có trách nhiệm thúc đẩy một cộng đồng ASEAN mạnh hơn. Vai trò lãnh đạo của Malaysia đặc biệt quan trọng hơn vì năm nay là năm chuyển đổi hướng tới sự hội nhập và thành lập một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Mặt khác, Malaysia lại đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN giữa lúc các căng thẳng ở Biển Đông chưa được giải quyết. Cả khu vực và thế giới đều đặt sự kỳ vọng cao đối với vai trò của Malaysia trong năm 2015 khi nước này có quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ.

 

Lập trường Malaysia trong vấn đề Biển Đông

 

Viện Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) nhận định, một số nhà nghiên cứu đã coi cách xử lý tranh chấp trên Biển Đông của Malaysia là một dạng "bảo hiểm rủi ro" nhằm mục đích cân bằng giữa lợi ích quốc gia (duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh) và lợi ích của "khu vực" (đảm bảo tranh chấp không quá căng thẳng).

 

Điều này có lẽ không hề đáng ngạc nhiên khi từ vài năm qua, kim ngạch thương mại của Malaysia với Trung Quốc là rất lớn, vượt quá con số 100 tỷ USD mỗi năm. Có thể nói, Trung Quốc chính là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

 

RSIS cho biết thêm, tuy nhiên thuật ngữ "bảo hiểm rủi ro" cần phải được hiểu trong một bối cảnh lớn. Khác với một số nước Đông Nam Á, Malaysia cũng hoan nghênh cả những đóng góp của Mỹ trong các vấn đề an ninh ở khu vực. Các cuộc tập trận chung (bao gồm cả trong hoặc gần vùng biển tranh chấp) và nỗ lực chống khủng bố tiếp tục là nền tảng cho hợp tác an ninh Mỹ-Malaysia.

 

The Straight Times (Singapore) ngày 12/1 nhận định, dù không công khai, quyết đoán như Philippines và Việt Nam trong các phản đối tuyên bố về hành động của Trung Quốc nhưng Malaysia cũng đã bày tỏ sự quan ngại của mình với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.

 

Chắc chắn Malaysia sẽ thúc đẩy sự đoàn kết của khu vực khi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Malaysia vẫn cam kết và đang chủ động thúc đẩy các giải pháp mang tính toàn khu vực cho cuộc tranh chấp này. Malaysia cũng không phản đối lựa chọn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đàm phán song phương với các bên tranh chấp.

 

RSIS cho biết, từ trước đến nay, cách thức xử lý tranh chấp của Malaysia khá linh hoạt từ đàm phán trực tiếp, hòa giải, cùng phát triển đến việc để tòa án quốc tế phân xử. Hầu hết, các biện pháp này đã từng được Kuala Lumpur thực hiện thành công trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng Thái Lan, Indonesia và Singapore.

 

Malaysia sẽ ưu tiên cao cho việc thúc đẩy COC năm 2015

 

Trong buổi tọa đàm vào đầu tháng 1/2015 tổ chức ở Hà Nội, Đại sứ Dato’ Azmil Zabidi đến từ  Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam đã khẳng định, một trong 8 ưu tiên của Malaysia trong năm nay là làm sao phải ngăn chặn được các cuộc xung đột và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình

 

Bên cạnh đó, tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) diễn ra trong 2 ngày 27-28/1/2015, Malaysia đã chỉ đạo cho Thái Lan làm điều phối viên thúc đẩy các cuộc họp giữa hiệp hội và Trung Quốc.

 

Có thể thấy, Malaysia đang nỗ lực hướng đến việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) và có thể thông qua COC giải quyết tranh chấp cho các bên có tuyên bố chủ quyền. Đây là phương pháp mà Malaysia có khả năng đặt ưu tiên cao trong năm 2015.

 

Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer nhận định, việc thông qua COC là không mấy khả thi trong năm nay. Trung Quốc khăng khăng rằng việc tiến hành Tuyên bố chung về hành vi ứng xử của các nước liên quan trong khu vực Đông Nam Á (DOC) cần phải được tiến hành trước. Mặc dù một vài nhóm đàm phán đã được lập ra theo sau DOC và Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn ngân sách cho việc này, nhưng không một kế hoạch gây dựng lòng tin nào được thông qua.

 

Việc ký kết COC dựa trên cơ sở đồng thuận làm cho ASEAN rất khó khăn trong việc đẩy nhanh những tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) nếu Trung Quốc không sẵn sàng, giáo Carl Thayer cho biết thêm.

 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hy vọng COC sẽ được ký kết khi ASEAN cho thấy được sự đoàn kết của mình. “ASEAN phải duy trì sự thống nhất và Chủ tịch hiện tại của ASEAN phải liên tục ép Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ của các cuộc đàm phán. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nhà lãnh đạo chính phủ cũng có thể sử dụng các cuộc họp và hội nghị thượng đỉnh thường niên để tạo thêm áp lực. ASEAN cần thiết lập ra một lộ trình và một danh sách những tiến triển đã đạt được về tiến trình đàm phán COC”, giáo sư Carl Thayer cho hay.

 

Còn nhiều thách thức ở phía trước

 

Có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, Malaysia được xem là đang ở vị thế khá phù hợp để tạo điều kiện kết thúc đàm phán nhanh hơn về COC. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn với bất cứ nước nào giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, đặc biệt đối với Malaysia vì bản thân nước này cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này.

 

Hơn thế nữa, bên cạnh mối quan hệ tốt với Trung Quốc, Malaysia cũng có những gắn kết nhất định với Mỹ. Malaysia đã tham gia “Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” (PSI) do Mỹ đứng đầu mà Trung Quốc phản đối vì cho rằng hoạt động của PSI là vi phạm luật quốc tế (PSI do Mỹ và Ba Lan khởi xướng vào năm 2003 nhằm ngăn chặn các tàu thuyền chở vũ khí hủy diệt hàng loạt, PSI đã thu hút được chữ ký từ hơn 100 quốc gia khác nhau trên thế giới).

 

Ngoài ra, Malaysia đã cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ để tiếp liệu cho máy bay giám sát tàu ngầm Poseidon. Đây là loại máy bay này có khả năng phát hiện và theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc trên Biển Đông - hành động mà Trung Quốc xem là không thân thiện.

 

Tờ báo điện tử của Singapore, The Straight Times viết, là Chủ tịch ASEAN, Malaysia nhiều khả năng "mắc kẹt" giữa sức ép ngoại giao từ phía Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN.

 

Tờ báo điện tử cho biết thêm, nếu Malaysia lựa chọn việc giữ nguyên trạng tranh chấp ở vùng Biển Đông như hiện nay, thay vì đối đầu với Trung Quốc hay Mỹ, áp lực và căng thẳng trong ASEAN có thể dẫn đến chia rẽ.

 

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng băn khoăn rằng, trong trường hợp xảy ra những tình huống không thể lường trước như đụng độ quân sự Mỹ-Trung trên Biển Đông liệu Malaysia có thể hiện vai trò lãnh đạo hiệu quả ứng phó với các sự kiện này hay không?

 

Tuy vậy, Malaysia chắc chắn đã chuẩn bị cho cương vị Chủ tịch ASEAN đầy thử thách. Bởi thế, nhiều nhà quan sát hy vọng rằng Malaysiasẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra từ thời Ismail Abdul Rahman và từ thời điểm sáng lập nên ASEAN. Ismail Abdul Rahman là ngoại trưởng đầu tiên của Malaysia, người ủng hộ hoà bình và trung lập cho khu vực Đông Nam Á, mà từ sáng kiến đó đã hình thành khối ASEAN.

 

Năm 2015, Malaysia có cơ hội để dẫn dắt khối ASEAN phát triển và nâng cao uy tín của bản thân trên trường quốc tế. Giới quan sát đang kỳ vọng Malaysia sẽ thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình trong năm mới./.