Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (2/3) đã thông qua các quy định mới nhằm giảm thiểu lượng túi nylon mỏng thải ra hàng ngày gây hại cho môi trường.
Theo quyết định của 28 quốc gia thành viên, các quy định mới sẽ buộc người tiêu dùng phải dùng các loại túi có thể tái sử dụng hoặc phải trả thêm phí nếu dùng túi nylon. Đây cũng là lần đầu tiên các nước châu Âu cùng đồng thuận áp dụng chế tài bắt buộc liên quan đến vấn nạn này.
Liên minh châu Âu cũng đặt mục tiêu sẽ giảm thiểu 80% số lượng túi nylon được sử dụng vào năm 2025. Tuy nhiên, các nước sẽ được tự lựa chọn cách thức để thực hiện mục tiêu trên. Giới chức châu Âu cho rằng, quyết định này được xem là bước đột phá lịch sử trong nỗ lực đối phó với vấn nạn ô nhiễm túi nylon.
Cách đây 5 năm, mỗi người dân châu Âu sử dụng khoảng 198 túi nylon mỗi năm. Con số này trong năm 2010 là khoảng gần 180 túi và mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ là 40 túi trên một người.
Theo một số báo cáo gần đây, cứ mỗi phút lại có hơn 1 triệu túi nylon được con người sử dụng và sau đó chủ yếu sẽ bị thải ra biển cả và đại dương.
Trong khi đó, tính cả các loại phế phẩm từ nhựa như chai, lọ, túi nylon thì hiện có khoảng hơn 270 tấn rác thải nhựa đang trôi nổi khắp thế giới.
Các loại rác thải nhựa, đặc biệt là túi nylon mỏng cực kỳ độc hại cho môi trường, đặc biệt là sinh vật biển. Rác thải nylon phải mất khoảng 450 năm mới phân hủy hết, đầu độc môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại cho con người./.