Bế tắc trong đàm phán cứu trợ Hy Lạp kéo giá dầu giảm

14:26, 26/06/2015

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày 25/6, khi nhà đầu tư tiếp tục dõi theo diễn biến các cuộc thương lượng giữa Hy Lạp và các chủ nợ nhằm đi đến một thỏa thuận cứu nước này trước nguy cơ vỡ nợ và phải ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng Tám chốt phiên giảm 57 xu, xuống 59,70 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc tại London giao cùng kỳ giảm 29 xu, xuống 63,49 USD/thùng.

 

Hy Lạp và các chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã không khơi thông được thế bế tắc trong các cuộc đàm phán khẩn cấp ngày 25/6 để có thể đạt thỏa thuận cứu trợ, làm dấy lên những lo ngại mới về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp, điều có thể đánh bật nước này ra khỏi liên minh tiền tệ.

 

Các nhà giao dịch cũng dành mối quan tâm đến việc Iran và sáu cường quốc có đạt thỏa thuận liên quan đến vấn đề hạt nhân của nước này khi hạn chót là ngày 30/6 đang đến gần. Thỏa thuận nếu đạt được có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này, trong đó có cả biện pháp trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ.

 

Một yếu tố khác cũng tác động đến thị trường dầu mỏ là việc sản lượng dầu của Mỹ đạt gần mức kỷ lục. Trong tuần trước, sản lượng dầu thô của nước này tăng gần 15.000 thùng, lên 9.604 triệu thùng/ngày.

 

* Giá vàng thế giới giảm phiên thứ năm liên tiếp

 

Khép lại phiên giao dịch ngày 25/6, trên thị trường New York, giá vàng đi xuống phiên thứ năm liên tiếp, trong khi cảnh báo về triển vọng ảm đạm của vàng trong dài hạn gây áp lực lên giá kim loại quý này.

 

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.172,95 USD/ounce vào thời điểm cuối phiên ngày 25/6. Trước đó, giá kim loại quý này đã có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần, đứng ở 1.171,02 USD/ounce. Giá vàng giao tháng Tám hạ 1,1 USD xuống còn 1.171,8 USD/ounce.

 

Giá kim loại quý chật vật giao dịch trong khoảng từ 1.160 USD/ounce đến 1.230 USD/ounce kể từ giữa tháng Ba. Bất chấp tình hình căng thẳng leo thang liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp tại một số thời điểm, giá vàng vẫn không bứt phá khỏi ngưỡng trên.

 

Trong khi đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên trong năm nay, khiến “ánh lấp lánh” của vàng bị lu mờ khi nhà đầu tư tìm đến những tài sản khác có giá trị sinh lời cao hơn. Đây là nhân tố kìm hãm đà tăng giá của vàng trong suốt cả năm nay.