Nguy cơ khủng bố gia tăng ở Li-bi

09:17, 20/06/2015

Mỹ đã mở rộng các cuộc không kích từ Xy-ri và I-rắc sang Li-bi nhằm tiêu diệt phần tử khủng bố có liên hệ với tổ chức An Kê-đa. Điều này cho thấy, nguy cơ từ các nhóm khủng bố đang ngày càng gia tăng ở Li-bi, quốc gia chìm trong bất ổn và giao tranh giữa các nhóm vũ trang đối địch.

Lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Li-bi, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tìm cách mở rộng vùng lãnh thổ chiếm đóng và sự cai trị của Vương quốc Hồi giáo từ I-rắc, Xy-ri sang quốc gia Bắc Phi này. Liên tiếp trong thời gian gần đây, IS đã thực hiện các vụ thảm sát dã man ở Li-bi, gây hoang mang dư luận và đặt các nước trong khu vực trước nhiều thách thức. Nhóm thánh chiến Hồi giáo IS thừa nhận đã hành hình 21 người Cơ đốc giáo Ê-ti-ô-pi-a gần đây cũng như tiến hành các vụ tiến công nhằm vào một khách sạn tại Tơ-ri-pô-li, các đại sứ quán nước ngoài và các mỏ dầu ở Li-bi. Nhóm này cũng đã bắt cóc và hành quyết năm phóng viên thuộc một kênh truyền hình ở miền đông Li-bi. IS còn thực hiện các cuộc tiến công nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí tại lưu vực Xơ-tê để gây cản trở sự tiếp cận các nguồn dầu mỏ của Chính phủ nhằm làm suy yếu và đẩy nhanh sự sụp đổ của hệ thống chính quyền hiện nay ở Li-bi.

 

IS mới đây giành quyền kiểm soát thị trấn ven biển Hara-oa, cách thành phố Xơ-tê khoảng 70 km về phía đông. Chính quyền thị trấn đã quyết định đàm phán đầu hàng với IS sau khi lực lượng dân quân Mi-xra-ta rút khỏi khu vực này. Việc chiếm thị trấn Ha-ra-oa là bước tiến lớn của IS tại Li-bi, cho phép lực lượng này kiểm soát một khu vực bờ biển dài gần 200 km chung quanh thành phố Xơ-tê. Sự mở rộng của IS tại Xơ-tê đã mang lại nhiều lợi thế chiến lược cho tổ chức khủng bố. Bởi, Xơ-tê từ lâu đã được biết đến là nơi trú ẩn an toàn của nhiều nhóm Hồi giáo thánh chiến. Từ sau cuộc nổi dậy năm 2011, nhóm An-xa An Sa-ri-a tại Xơ-tê hiện thân như một phong trào Hồi giáo thánh chiến. Nhóm này thường xuyên phô diễn lực lượng, trong đó có các cuộc diễu hành với nhiều loại vũ khí và lá cờ đen. Một số nhóm khác cũng muốn áp đặt các quy định hà khắc của luật Hồi giáo Sa-ri-a tại đây. Các tổ chức kể trên sau đó đã sáp nhập và chính thức thành lập nhóm An-xa An Sa-ri-a tại Xơ- tê. Trong bối cảnh đó, IS lợi dụng tình trạng "vô pháp luật" ở Xơ-tê, quê hương cố Tổng thống Li-bi M.Ca-đa-phi, để xây dựng mạng lưới và tuyển mộ các tay súng. IS đã tiếp cận các bộ lạc từng trung thành với ông Ca-đa-phi nhằm dụ dỗ các cá nhân và cộng đồng bị gạt khỏi tiến trình chính trị hiện nay.

 

Bốn năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi, Li-bi vẫn chìm trong tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai Chính phủ, hai Quốc hội. Xung đột khiến gần 104.000 gia đình với tổng cộng hơn 557.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Tuy nhiên, con số này không bao gồm hàng trăm nghìn người Li-bi đang tị nạn hoặc mắc kẹt tại các nước khác, nhất là ở các nước láng giềng. IS đang khai thác cuộc xung đột "huynh đệ tương tàn" giữa liên minh Hồi giáo "Bình minh Li-bi" ủng hộ QH cũ và liên minh thế tục "nhân phẩm Li-bi" ủng hộ Chính phủ được quốc tế công nhận, để tăng cường ảnh hưởng và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở Li-bi. Trong khi đó, hiện có dấu hiệu cho thấy IS đang nhắm tới An-giê-ri. Chính quyền Angiê-ri cho biết, sau khi chiếm Xơ-tê ở Li-bi, IS đã cố mở rộng về phía tây để kiểm soát khu vực biên giới chủ yếu là sa mạc giữa Li-bi và An-giê-ri. Với hơn 1.000 km đường biên giới sa mạc giữa hai nước, khu vực này đã trở thành mục tiêu chính cho các phần tử liên kết với An Kê-đa hoạt động.

 

Những tội ác dã man mà IS tiếp tục gieo rắc ở Li-bi gây lo ngại rằng, tổ chức Hồi giáo thánh chiến đang ngày càng trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát, nhất là trong điều kiện đất nước Bắc Phi này bị phân chia thành nhiều phe nhóm.