Theo hầu hết số phiếu đã được kiểm đếm, 61% cử tri Hy Lạp đã bỏ phiếu “không” trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5-7, qua đó bác bỏ các đề xuất của bộ ba chủ nợ quốc tế.
Khác với kế hoạch thăm dò trước thềm bỏ phiếu, số cử tri nói “có” ít hơn hẳn, chỉ đạt 39%.
Hàng ngàn người dân Athens đã tụ tập tại Quảng trường Syntagma ở trung tâm thành phố để đón mừng kết quả này, bất chấp những cảnh báo rằng Hy Lạp có thể phải rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
"Thông điệp đằng sau lá phiếu 'không' là chúng tôi không sợ hãi trước các áp lực từ cả trong lẫn ngoài châu Âu. Chúng tôi muốn sống một cách công bằng và tự do trong lòng châu Âu" - một giáo viên 47 tuổi tên Stathis Efthimiadis bộc bạch.
Ủy ban châu Âu (EC) ra thông cáo cho biết Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker sẽ tổ chức hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Nhóm Eurogroup (các bộ trưởng tài chính của Eurozone) Jeroen Dijsselbloem vào sáng 6-7.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến gặp mặt ở Paris trong ngày 6-7. Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk cho biết các nước Eurozone sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao vào chiều 7-7 (16 giờ GMT) để bàn về cuộc khủng hoảng Hy Lạp.
Thủ tướng Alexis Tsipras khen ngợi người dân Hy Lạp đã có một sự lựa chọn dũng cảm cũng như đã bỏ phiếu cho “một châu Âu đoàn kết và dân chủ”. Phát biểu trên truyền hình tối 5-7, ông hứa: “Ngay ngày 6-7, Hy Lạp sẽ quay lại bàn đàm phán và ưu tiên số một của chúng ta là ổn định hệ thống tài chính của đất nước”.
Reuters dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis cho biết chính phủ nước này muốn nối lại các cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế ngay lập tức.
“Các cuộc đàm phán cần phải được hoàn tất nhanh chóng, thậm chí sau 48 giờ đồng hồ. Chúng tôi sẽ dốc sức để đạt được thỏa thuận này này sớm" - ông nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cho rằng hầu như không còn cơ hội đạt được thỏa hiệp với chính phủ Hy Lạp sau kết quả bỏ phiếu. Ông Gabriel cáo buộc chính phủ của ông Tsipras đã “phá hủy cây cầu cuối cùng để châu Âu và Hy Lạp có thể đi tới một thỏa hiệp".
Trong khi đó, Thứ trưởng Kinh tế Nga Alexei Likhachev nhận định Hy Lạp đã tiến gần hơn tới kết quả rời khỏi Eurozone.