Baltic - Chìm nổi theo thế thời

09:46, 01/07/2015

Từ mấy trăm năm trước, các nước vùng Baltic gồm Lavia, Liva, Etonia là những quốc gia nhỏ bé đã từng bị các nước lớn như Đức, Ba Lan, Thụy Điển và Nga thống trị qua nhiều giai đoạn.

Trong lịch sử, vùng đất này đã từng trực thuộc sự cai quản của Sa Hoàng Nga trong một thời gian rất dài, cũng giống như rất nhiều quốc gia châu Âu đã từng là chư hầu của Hoàng đế Nga. Từ năm 1940 đến 1990, Lavia, Liva, Etonia là các nước cộng hòa nằm trong Liên bang Xô Viết. Các quốc gia mới chính thức độc lập từ năm 1991 đến nay (sau khi Liên Xô tan rã).

 

Tuy nhiên, mấy thập niên qua, người dân 3 nước này luôn bị tư tưởng, tâm lý giằng xé giữa việc hướng theo Nga hoặc theo mô hình phương Tây. Nga không muốn họ ly khai khỏi ảnh hưởng của mình. Người Nga chống lại mọi âm mưu NATO Đông tiến, không muốn các nước cộng hòa vốn một thời tự trị nằm trong Liên bang Xô Viết gia nhập Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.

 

 Nhưng người Nga đã không thể ngăn chặn được trào lưu theo phương Tây, nên cuối cùng cả 3 quốc gia nằm sát cạnh Nga ở vùng Baltic đều trở thành thành viên NATO. Nga coi việc NATO mở rộng sát biên giới là một thách thức, nguy cơ rất lớn đối với an ninh, quốc phòng của mình. Đó là một trong những lý do mà Nga thay đổi Học thuyết quân sự và tăng cường đầu tư cho quốc phòng.

 

Gần đây vùng Baltic lại trở thành một tâm điểm nóng bỏng của thế giới. Mỹ và phương Tây mượn cớ sự kiện khủng hoảng ở Ukraina (coi Nga là nguyên nhân gây ra sự bất ổn hiện nay ở Ukraina và việc nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp) để đưa quân đội và các loại vũ khí, khí tài vào khu vực này với danh nghĩa bảo vệ đồng minh, nhằm ngăn chặn kẻ thù xâm lược (cụm từ ám chỉ nước Nga).

 

Nhìn trên bản đồ, 3 quốc gia vùng Baltic chỉ là những dấu chấm nhỏ xíu so với nước Nga có diện tích vô cùng rộng lớn với khoảng gần 18 triệu km2, dân số 150 triệu người, có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh thuộc nhóm các nước đứng đầu thế giới. "Chú gấu Nga" vốn là một quốc gia khổng lồ có vị thế ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử và thế giới hiện tại.

 

Các nước vùng Baltic chỉ có tổng diện tích khoảng 170 nghìn km2 và có khoảng 7 triệu dân. Lavia chỉ có khoảng hơn 1 triệu dân, diện tích 64 nghìn km2, Liva có 3, 5 triệu dân, diện tích 65 nghìn km2; Etonia có khoảng 1,2 triệu dân, diện tích 45 nghìn km2. Baltic là vùng đất nhạy cảm, thậm chí đáng quan ngại, vì cơ cấu dân cư các quốc gia này có tỷ lệ người Nga khá đông, như ở Lavia người Nga chiếm gần 30%, một số sắc tộc khác cũng có cảm tình với nước Nga. Do đó nhiều nước rất lo có thể một lúc nào đó sẽ xảy ra những biến động như đối với Crimea của Ukraina. Khi các nước Baltic là thành viên NATO đã trở thành áp lực, đối kháng với nước Nga láng giềng. Nếu Mỹ và phương Tây chọn 3 nước này làm căn cứ quân sự, bố trí các tên lửa phòng thủ có thể đặt các nước vào tình thế lợi bất cập hại. Vì giả sử chiến tranh xảy ra giữa Nga và phương Tây thì đây chắc chắn sẽ là nơi hứng đòn tấn công phủ đầu của Nga. Năng lực tự vệ của các nước vùng Baltic rất yếu, dân số ít, lực lượng quân sự ít, nếu xảy ra chiến tranh chỉ trông chờ vào sự trợ giúp của NATO.

 

Với lý do "để ngăn chặn các mối đe dọa từ Nga", các nước thuộc NATO đã yêu cầu Mỹ đưa trên 750 binh sĩ và nhiều phương tiện vũ khí đến các nước vùng Baltic. Đến nay đã có 450 lính Mỹ đồn trú tại các nước Liva, Lavia, Etonia và họ có kế hoạch tập trận chung với các quốc gia này. Tuy nhiên việc làm của Mỹ nhằm trấn an các thành viên đồng minh hơn là chuẩn bị cho một cuộc chiến đối đầu với Nga.

 

Cùng với việc đưa quân vào đất liền, gần đây biển Baltic (biển trong lục địa chỉ rộng gần 300 nghìn km2) đã trở thành nơi tập hợp đông đảo lực lượng hải quân của khối NATO với 50 tàu nổi, tàu ngầm hiện đại nhất tham gia tập trận. Tại đây, Nga có Hạm đội Biển Đen hùng hậu (Hạm đội có lịch sử lâu nhất của hải quân Nga, ra đời đã trên 300 năm, từ năm 1703), Nga còn có 3 căn cứ không quân tại khu vực này.

 

Các cuộc tập trận của hai bên trên đất liền Đông Âu và trên biển Baltic mang mục đích thị uy sức mạnh của mình trước đối phương, nhưng hễ cứ NATO tập trận thì phía Nga cho đó là hành động khiêu khích (và ngược lại).