Nhật Bản: Giàu và phải mạnh

10:04, 31/07/2015

Theo hiệp ước lịch sử, Hoa Kỳ là "cái ô che" bảo đảm quốc phòng an ninh cho đồng minh Nhật Bản.  Gần đây, chính quyền Nhật Bản đưa ra một luận thuyết mới: Giàu có về kinh tế chỉ là nhất thời, mạnh về quân sự là mạnh vĩnh viễn, giàu mà không mạnh sẽ bị đe dọa, thậm chí bị trấn lột, quân sự mạnh mới bảo đảm cho phát triển bền vững.

Trong bối cảnh cục diện khu vực có nhiều thay đổi, an ninh phức tạp, thậm chí bị đe dọa xâm hại chủ quyền, Nhật Bản đã nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng, mở rộng sản xuất và tham gia xuất khẩu vũ khí, mới đây nhất là chuẩn bị  Dự luật về quyền phòng thủ tập thể, mở đường cho quân đội Nhật Bản có thể tham chiến ngoài lãnh thổ, lãnh hải  để giúp đồng minh khi bị kẻ thù tấn công.

 

Mấy năm gần đây, Nhật Bản luôn thay đổi chính sách về an ninh, quốc phòng. Những yếu tố khách quan mà chính quyền Thủ tướng Shinzu Abe viện dẫn cho việc tăng cường tiềm lực quốc phòng đó là Trung Quốc âm mưu chiếm một phần biển Hoa Đông, tranh chấp đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư),  đó là việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, Nhật Bản tranh chấp đảo với Hàn Quốc và Nga...

 

Với Nhật Bản, chỉ cần có chính sách mới thì trong một thời ngắn nền quốc phòng Nhật sẽ thay đổi rất nhanh. Hơn bất cứ nước nào, Nhật Bản là một cường quốc kinh tế và kỹ thuật. Nhật có nền tảng quốc phòng vững mạnh trong lịch sử. Trước chiến tranh thế giới thứ II, quân đội Nhật và vũ khí, khí tài trang bị chỉ đứng sau Mỹ. Hiện nay ở châu Á, về khoa học công nghệ, duy nhất chỉ có Nhật là có thể sánh được với các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Đức. Thậm chí có những thời điểm, Nhật có những hạm đội hải quân mạnh nhất thế giới và đã từng đánh nhau với nhiều cường quốc biển.

 

Hiện nay, về số lượng vũ khí, khí tài quân sự của Nhật so với một số quốc gia khác chưa phải là nhiều, nhưng  thuộc loại hiện đại nhất châu Á. Nhật có gần 400 tàu chiến gồm tàu sân bay trực thăng, tàu khu trục, tàu đổ bộ, tàu tuần tra, tàu ngầm có hỏa lực cực mạnh, có đủ các loại vũ khí phòng thủ, tấn công dưới biển, trên mặt đất, trên không thuộc loại tiên tiến nhất. Mỗi năm, Nhật đầu tư cho quốc phòng khoảng 50 tỷ USD (là 1 trong 10 quốc gia đầu tư lớn nhất cho quân sự). Kinh phí chủ yếu đầu tư cho các loại vũ khí công nghệ cao.

 

Nhật Bản có 12 tập đoàn sản xuất nổi tiếng thế giới tham gia nghiên cứu, chế tạo vũ khí; là một cường quốc có nguồn nhân lực chất lượng cao hùng hậu, hiện đang đứng đầu châu Á về đoạt giải Nobel với 22 giải, trong đó có 10 giải vật lý, 7 giải hóa học và các giải y học, văn học, hòa bình và được 3 giải thưởng Toán học trẻ tuổi Fields (trong di chúc Nobel không cho giải toán học). Cùng với đó, Nhật Brn là 1 trong 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, các sản phẩm hóa chất, cơ khí, điện tử từ lâu đã có thương hiệu cạnh tranh mạnh nhất thế giới.

 

Trong những thập niên gần đây châu Á là khu vực kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, ổn định  và cũng là khu vực có tốc độ đầu tư cho quân sự lớn nhất. Năm 2014, ngân sách đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc khoảng 140 tỷ USD, Ấn Độ 46 tỷ USD, Hàn Quốc khoảng 35 tỷ USD. Các nước Đông Nam Á tổng cộng khoảng 40 tỷ USD (khu vực Đông Nam Á từ 2002 đến năm 2012 tăng khoảng 40%). Nhật Bản cũng nằm trong cuộc chạy đua vũ trang của châu Á, sách trắng quốc phòng đã công khai thách thức tấn công bất cứ quốc gia nào xâm hại đến chủ quyền của Nhật.