Italy là nước nhận được khoản hỗ trợ nhiều nhất, lên đến 560 triệu Euro, và đứng thứ hai là Hy Lạp với 473 triệu Euro. Hai nước này nằm ở cửa ngõ châu Âu trên biển Địa Trung Hải và là điểm đến đầu tiên của những người di cư trên đường từ châu Phi đi tìm kiếm tị nạn ở các nước phương Tây.
Ngoài ra, Anh và Pháp cũng được Ủy ban châu Âu hỗ trợ để đối phó với tình trạng người nhập cư trái phép đang tràn ngập ở Calais và muốn tìm cách vượt qua tuyến đường hầm xuyên eo biển Manche để sang Anh.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Natasha Bertaud cho biết: “Chúng tôi vừa công bố khoản viện trợ 2,4 tỷ Euro để giúp các nước thành viên đối phó với áp lực nhập cư, điều đó cho thấy Ủy ban châu Âu đang tiếp cận và theo dõi chặt chẽ vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên để giải quyết những thách thức đó theo cách tốt nhất có thể”.
Ủy ban châu Âu cũng dự định thông qua thêm 13 chương trình hỗ trợ các nước đối phó cuộc khủng hoảng người di cư vào cuối năm nay và các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ chịu trách nhiệm triển khai các chương trình này.
Căng thẳng leo thang trong năm nay khiến hàng nghìn người di cư từ Trung Đông và châu Phi tìm cách xin tị nạn tại Liên minh châu Âu. Tại Calais, nút thắt cổ chai của những người di cư muốn nhập cư trái phép vào Anh thông qua đường hầm giữa Anh và Pháp eo biển Manche, đã có nhiều người chết khi cố bám vào các chuyến tàu và các chuyến xe tải để nhập cư trái phép vào Anh.
Phát biểu trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 10/8, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói rằng, những người di cư có thể làm dấy lên đe dọa đối với an ninh khu vực đường hầm và nước Anh không thể tiếp nhận tất cả những người di cư.
“Chúng tôi không thể là nhà cho bất cứ ai từ châu Phi đang tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều đó là không thể với khả năng của nước Anh. Chúng tôi cũng cần phân biệt rõ ràng những người tìm kiếm tị nạn thực sự đang chạy khỏi những mối đe dọa đối với cuộc sống của họ với những người di cư vì lý do kinh tế muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Hammond nói.
Trước đó, ông Hammond tuyên bố, những người di cư đang đe dọa tiêu chuẩn sống của Liên minh châu Âu cũng như cấu trúc xã hội của khối. Theo ông, châu Âu cũng không thể tiếp nhận hàng triệu người đang tìm kiếm cuộc sống mới.
Theo tổ chức di trú quốc tế, từ đầu năm tới nay, đã có hơn 2.000 người thiệt mạng khi tìm cách di cư tới châu Âu bằng đường biển, trong khi con số này của năm ngoái là 3.279 người của cả năm ngoái.
Việc Liên minh châu Âu tăng cường ngân sách cho các cuộc tìm kiếm cứu nạn đã giúp làm giảm số người chết trên biển Địa Trung Hải trong những tháng gần đây.
Chỉ trong ngày 10/8, lực lượng hải quân các nước châu Âu đã cứu sống khoảng 1.550 người ở khu vực ngoài khơi Libya. Riêng lực lượng hải quân Italy đã cứu sống 775 người ở gần đảo Sicily, trong đó có gần 200 phụ nữ và 40 trẻ em.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nhập cư này sẽ không thể chấm dứt nếu không giải quyết tận gốc vấn đề, đó là những cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi./.