Cuộc sống tại Seoul diễn ra bình thường bất chấp căng thẳng

08:40, 24/08/2015

Trái ngược với tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới liên Triều, cuộc sống sinh hoạt của người dân tại thủ đô Seoul của nước này dường như vẫn diễn ra hết sức bình thường, các khu mua sắm và vui chơi giải trí vẫn tấp nập người lui tới.

Tại khu chợ đêm Pyeong Hwa ở thủ đô Seoul, nơi tập trung rất đông các tiểu thương chuyên buôn bán quần áo, vải vóc và giày dép…, không khí buôn bán tấp nập vẫn diễn ra như thường ngày. Vẫn có rất đông khách người Hàn Quốc và nước ngoài qua lại khu vực này… Nhiều người tỏ ra không mấy lo lắng vì đây không phải là lần đầu xảy ra căng thẳng giữa hai nước và cho rằng tình hình này sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

 

“Tình trạng như hiện nay đã xảy ra nhiều lần rồi. Tôi cho rằng không có khả năng xảy ra xung đột lớn”, chị Seong Kyeong Min, sinh viên Đại học Hàn Quốc cho biết.

 

Trong khi đó, ông Kim Pyeong Yong, tiểu thương tại chợ đêm Pyeong Hwa, ở thủ đô Seoul cũng cho rằng không có gì phải lo lắng và xung đột quân sự sẽ không xảy ra trên diện rộng. “Việc này không phải mới xảy ra một, hai lần mà đã từng xảy ra nhiều lần rồi”, ông phân tích.

 

Hiện đại diện cấp cao của hai miền Triều Tiên vẫn đang tiến hành đàm phán nhằm tháo ngòi cho tình trạng căng thẳng. Dư luận Hàn Quốc và quốc tế đang tập trung chú ý tới cuộc đàm phán vì kết quả của nó được cho là sẽ có ảnh hưởng lớn đến tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc đàm phán này, hai bên không chỉ thảo luận cách làm dịu tình trạng căng thẳng mà còn bàn cách cải thiện mối quan hệ liên Triều.

 

Trong một diễn biến liên quan, Hãng thông tấn Yonhap ngày 23/8 đưa tin Hàn Quốc đã ra lệnh cho 6 máy bay chiến đấu của nước này đang tham gia huấn luyện ở Alaska (Mỹ) phải trở về nước ngay lập tức do tình hình phức tạp trên Bán đảo Triều Tiên.

 

Theo tin trên, các chiến đấu cơ F-16D được Hàn Quốc điều động đến Alaska để tham gia cuộc tập trận Red Flag, bắt đầu từ ngày 10/8. Hiện Hàn Quốc lo ngại Triều Tiên có "hành động khiêu khích" do Bình Nhưỡng đã ra lệnh cho phần lớn các tàu ngầm ra biển - đợt điều động lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

 

Theo Yonhap, khoảng 50 trong số 77 tàu ngầm quân sự của Triều Tiên đã rời các căn cứ quân sự ở Hoàng Hải và biển Nhật Bản. Hiện quân đội Hàn Quốc chưa xác định được vị trí các tàu ngầm của Triều Tiên.